Xây dựng các làng nghề nông thôn thành không gian văn hóa
Kết luận 80-KL/TW của Bộ Chính trị về 'Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2024, tầm nhìn đến năm 2065' nhấn mạnh việc xây dựng các khu vực nông thôn với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí đô thị, xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. Làng nghề đã và đang góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân các địa phương.
Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước, với 1.350 làng nghề. Không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, làng nghề còn là nơi chứa đựng các giá trị về văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa như công trình kiến trúc đình, chùa, cảnh quan, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội...
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20 nghìn tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Phần lớn các làng nghề nằm ở trục phát triển phía Tây của Thủ đô, chủ yếu tập trung nhiều ở tỉnh Hà Tây (cũ).
Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của các làng nghề là rất lớn. Nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ví dụ như làng gốm Bát Tràng, làng sơn mài Hạ Thái, làng thêu Quất Động, làng lụa Vạn Phúc, làng mây tre đan Phú Vinh, làng hoa Tây Tựu, làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa làng nghề đến các du khách trong và ngoài nước.
Ngoài một số làng nghề có quy hoạch bài bản, hấp dẫn du khách, khai thác kinh tế du lịch hiệu quả, thì thực tế cho thấy, việc đầu tư khai thác phát triển làng nghề gắn với du lịch còn nhiều hạn chế, manh mún, tự phát; các giá trị về văn hóa truyền thống và không gian văn hóa, cảnh quan làng nghề chưa được khai thác kết hợp và phát huy trong hoạt động du lịch. Vì vậy, phát triển du lịch làng nghề cần có cách tiếp cận mới trong việc xây dựng mô hình phát triển để vừa bảo đảm tính bền vững, vừa bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống.
Theo chuyên gia văn hóa Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), Kết luận 80 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2024, tầm nhìn đến năm 2065” cho thấy định hướng phát triển hệ thống các làng nghề truyền thống của Hà Nội phục vụ phát triển du lịch là định hướng đúng để phát triển hệ thống các làng nghề truyền thống - du lịch có trọng tâm, đảm bảo liên kết giữa các làng nghề, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Qua đó, lựa chọn các làng nghề có nghề và sản phẩm có tiềm năng phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Hiện nay có nhiều huyện có làng nghề đã quy hoạch các không gian phát triển sản xuất nghề, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch độc lập với khu ở, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Điểm dân cư nông thôn mới khớp nối đồng bộ cơ sở hạ tầng và các khu vực xung quanh. Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái, khai thác đất đai có hiệu quả, thân thiện với môi trường. Dự trữ, phát triển quỹ đất cho sản xuất nghề và sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Cũng theo chuyên gia Phùng Hoàng Anh, quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch phải được tiến hành đồng thời với quy hoạch chung Hà Nội trên nguyên tắc bền vững, tôn trọng và giữ gìn cảnh quan tự nhiên. Xây dựng các cụm làng nghề truyền thống gắn với du lịch đảm bảo tính liên tục, thông suốt tạo thành chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với hoạt động du lịch trên nguyên tắc tạo lập bản sắc đặc trưng của làng nghề. Sản phẩm du lịch cần kết hợp khai thác không gian văn hóa và văn hóa làng nghề. Đối với không gian kiến trúc làng nghề truyền thống để phục vụ phát triển du lịch, cần gắn với sản xuất nông nghiệp - du lịch.
Đặc biệt, du lịch tại làng nghề còn phải gắn với dịch vụ, thương mại, chế biến phù hợp phát triển du lịch cộng đồng. Khi phát triển làng nghề truyền thống theo hướng du lịch cộng đồng, cần quan tâm đến không gian dịch vụ, không gian sản xuất và thương mại như bãi đỗ xe ô tô, nhà tiếp đón, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm và lưu trú, ẩm thực của làng nghề.
Làng nghề truyền thống có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể lâu đời đã mang lại cho Thủ đô nhiều lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát triển các làng nghề truyền thống góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thương hiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề.
Ngày 4/3/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Một trong những mục tiêu tổng quát là “Phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thực hiện hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững”.
Do đó, việc định hướng phát triển không gian kiến trúc các làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội phục vụ du lịch là nhiệm vụ cần thiết trong quá trình tạo dựng Quy hoạch chung Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.