Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư giai đoạn mới

Sau giai đoạn dài khá thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đồng Nai đang lên kế hoạch thực hiện chiến lược thu hút đầu tư cho giai đoạn 10 năm tới. Theo đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng dòng vốn thu hút đầu tư, giữ vững vị thế là địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước.

Biểu đồ thể hiện mục tiêu thu hút doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ hiện đại, tỷ lệ nội địa hàng hóa và lao động qua đào tạo của Đồng Nai đến năm 2025 và 2030 Thông tin: Vương Thế - Đồ họa: Hải Quân

Biểu đồ thể hiện mục tiêu thu hút doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ hiện đại, tỷ lệ nội địa hàng hóa và lao động qua đào tạo của Đồng Nai đến năm 2025 và 2030 Thông tin: Vương Thế - Đồ họa: Hải Quân

Để triển khai những mục tiêu của mình, hiện Đồng Nai đang thực hiện nhiều công việc liên quan như: cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, quy hoạch, mở rộng các khu công nghiệp (KCN), phát triển hạ tầng giao thông kết nối…

* Giữ vững vị thế trong thu hút FDI

Từ năm 1989, Đồng Nai đã bắt đầu đón dòng vốn FDI vào tỉnh. Trải qua hơn 3 thập niên, đầu tư FDI đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. FDI còn giúp cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm tăng cao, đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước. Đơn cử như năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 19,7 tỷ USD, trong đó hơn 80% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp (DN) FDI. Thu ngân sách của Đồng Nai năm 2019 đạt hơn 54 ngàn tỷ đồng thì khối FDI chiếm trên 30%.

Ở giai đoạn hiện nay, sau hàng chục năm, việc thu hút FDI ở Việt Nam đang được tính toán lại để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Chính phủ đặc biệt coi trọng vấn đề này và Đồng Nai cũng không ngoại lệ.

Tại Kế hoạch số 8758/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn, Đồng Nai đã đặt ra những mục tiêu cao nhằm giữ vững lợi thế đã có của mình.

Khu công nghiệp Long Khánh đang được mở rộng diện tích để đón dòng vốn đầu tư mới chất lượng cao. Ảnh: Vương Thế

Khu công nghiệp Long Khánh đang được mở rộng diện tích để đón dòng vốn đầu tư mới chất lượng cao. Ảnh: Vương Thế

Theo đó, phấn đấu thu hút vốn FDI đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 5-6 tỷ USD (1-1,2 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 6-7 tỷ USD (1,2-1,4 tỷ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 3-4 tỷ USD (0,6-0,8 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 4-5 tỷ USD (0,8-1 tỷ USD/năm).

Trong thu hút FDI phấn đấu tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tăng lên 80% vào năm 2025 (so với năm 2018) và 100% vào năm 2030 (so với năm 2018). Tỷ lệ nội địa hóa trên địa bàn tỉnh chiếm trên 30% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động chiếm 70% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Để đạt được những mục tiêu trên, Đồng Nai có rất nhiều công việc phải giải quyết, từ vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tạo thông thoáng, thuận lợi cho môi trường đầu tư, đến việc chuẩn bị quỹ đất mở rộng các KCN, đặt ra yêu cầu cao cho các dự án thu hút… Bên cạnh đó là thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư, phối hợp với các bộ, ngành, tránh chồng chéo nhằm đạt mục tiêu thu hút cao nhất.

Trong đó, Đồng Nai sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng thu hút đầu tư FDI. Đồng thời tăng cường mối liên kết vùng trong thu hút đầu tư, phối hợp với các tỉnh, thành lân cận trong việc lựa chọn dự án, mời gọi đầu tư (đặc biệt ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ). Tạo điều kiện cho các DN của các địa phương trong vùng cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ.

UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT chủ trì cùng các sở, ngành xây dựng danh mục các dự án thu hút ưu tiên và những lĩnh vực hạn chế thu hút để cộng đồng DN các nước biết, lựa chọn. Việc ưu tiên thu hút các dự án có ngành nghề, lĩnh vực công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường sẽ được thực hiện xuyên suốt khi xem xét các dự án đầu tư nước ngoài. Khuyến khích các DN, tập đoàn lớn đa quốc gia đặt trụ sở, viện nghiên cứu, phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Đồng Nai gắn liền với lợi thế khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.

Để hỗ trợ việc thu hút các DN FDI vào Đồng Nai, một vấn đề rất quan trọng là xây dựng năng lực cung cấp các ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh. Sở Công thương có trách nhiệm xây dựng chương trình dịch chuyển nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, tạo thành mạng lưới vệ tinh cung ứng sản phẩm cho DN FDI và cho xuất khẩu. Bên cạnh đó tăng cường sự giao thương, liên kết chặt chẽ giữa DN trong nước với DN FDI nhằm tận dụng những lợi thế của nhau.

* Tiếp tục mở rộng, thành lập mới các KCN

Để chủ động đón dòng vốn FDI mới, ngoài các KCN đang hoạt động, Đồng Nai còn có 3 KCN đã được quy hoạch gồm: Phước Bình (H.Long Thành), Cẩm Mỹ (H.Cẩm Mỹ) và Gia Kiệm (H.Thống Nhất).

Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom) có tỷ lệ lấp đầy khá cao. Ảnh: Công Nghĩa

Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom) có tỷ lệ lấp đầy khá cao. Ảnh: Công Nghĩa

Ngoài ra, nhiều KCN trên địa bàn Đồng Nai đang được đề xuất mở rộng như: Amata, An Phước, Long Đức, Tân Phú, Xuân Lộc, Hố Nai, Sông Mây, Long Khánh…

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng kết nối liên vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đai, hệ thống cảng logistics để tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển nhanh hơn, từ đó tận dụng được các lợi thế vốn có để vùng giữ vững ưu thế của mình.

Với riêng Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết việc thành lập mới và mở rộng các KCN trên địa bàn nhằm đón dòng vốn đầu tư chất lượng, những dự án có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là vấn đề cấp thiết hiện nay của tỉnh.

Do đã có trên 80% diện tích đất cho thuê trong khi nhu cầu thuê đất công nghiệp tiếp tục tăng cao, Đồng Nai sẽ mở rộng thêm diện tích đất công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ kinh nghiệm qua hơn 30 năm phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, những KCN mới của Đồng Nai phải là những KCN hiện đại, thu hút công nghệ cao, xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường để thực hiện mục tiêu phát triển “nhanh và bền vững” mà tỉnh đã đặt ra.

Theo Trưởng ban Quản lý các KCN Cao Tiến Sỹ, hoạt động của các DN trong KCN của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động cũng rất quan trọng. Thời gian tới, song song với việc mở rộng các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý khuyến khích DN đầu tư hạ tầng KCN và DN thứ cấp quan tâm đầu tư các thiết chế xã hội dành cho người lao động. Đặc thù Đồng Nai có số lượng KCN và số lượng lao động đứng đầu cả nước, lực lượng lao động chủ yếu ngoại tỉnh, do vậy nhu cầu về nhà ở là rất lớn và việc đầu tư vào các công trình tiện ích cho người lao động cũng rất tiềm năng.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202009/xay-dung-chien-luoc-thu-hut-dau-tu-giai-doan-moi-3020054/