Xây dựng cho thương hiệu đậu phụ An Vỹ

Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của xã, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, chính quyền và người dân xã An Vỹ (Khoái Châu) nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm đậu phụ An Vỹ, hướng tới trở thành làng nghề truyền thống của địa phương.

Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chú trọng trong từng khâu sản xuất đậu phụ.

Nghề làm đậu phụ ở xã An Vỹ có từ nhiều đời nay của người dân trong xã, được nhiều người biết đến. Với những bí quyết riêng được gìn giữ, những người dân làm nghề đã làm nên một món ăn dân dã, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Nghề làm đậu phụ đã mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân trong xã.

Đồng chí Đàm Kiên Cường, Phó Chủ tịch UBND xã An Vỹ cho biết: Xã hiện nay có trên 900 hộ làm nghề và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nghề sản xuất đậu phụ hầu như không ảnh hưởng tới môi trường, các chất thải, phụ phẩm như: Xơ, bã... được tận dụng toàn bộ để chăn nuôi gia súc hoặc bón cho cây trồng.

Bà Phạm Thị Mơ đã hơn 20 năm làm đậu, chia sẻ: Gia đình tôi có 2 lao động tham gia làm nghề. Nghề làm đậu phụ làm quanh năm, không có mùa vụ. Mỗi ngày tôi làm khoảng 40 – 50kg đậu, sản xuất đến đâu xuất bán hết đến đấy.

Đậu An Vỹ, hương vị thanh mát đặc trưng, dù ăn sống hay chiên, rán đều rất hấp dẫn và giữ được hương thơm tự nhiên, bùi, béo, ngậy của đỗ tương. Trước đây, tất cả các công đoạn làm đậu phụ đều được thực hiện thủ công, nấu bằng củi nên mất nhiều thời gian và cần nhiều lao động. Đến nay, hầu hết các hộ làm nghề đã đầu tư mua các loại máy như: máy nghiền, nồi đun nhiệt … giúp cơ giới hóa nhiều công đoạn sản xuất; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mỗi gia đình lại có bí quyết riêng để tạo ra miếng đậu phụ thơm ngon, nhưng không sử dụng thêm các loại nguyên liệu, chất phụ gia nào khác trong quá trình sản xuất.

Trung bình một ngày, mỗi hộ làm đậu ở An Vỹ sản xuất ra được từ 40 đến 60kg đậu thành phẩm, trung bình một kg đậu phụ được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng (tùy thuộc vào giá thành đỗ tương), trừ các chi phí mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, các phụ phẩm như bã, xơ người dân cũng tận dụng để nuôi lợn, gà… gia tăng thu nhập tạo công ăn việc làm ổn định cho 2.700 người dân trong xã.

Nhận thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy làng nghề, thời gian qua chính quyền xã An Vĩ đã triển khai nhiều giải pháp, có nhiều việc làm thiết thực như: tiến hành thống kê số lượng các gia đình đang sản xuất đậu phụ, đưa sản phẩm đậu An Vĩ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở, hộ gia đình sản xuất đậu phụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2023, phấn đấu đưa nghề làm đậu phụ được công nhận là nghề truyền thống của địa phương. Qua đó, duy trì và phát triển nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đàm Kiên Cường, Phó chủ tịch xã An Vỹ chia sẻ thêm: Xã đang tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Vừa qua, hội đồng thẩm định xét công nhận làng nghề tỉnh năm 2023, đã tiến hành thẩm định và đồng ý đề nghị UBND tỉnh xét công nhận làng nghề đối với nghề làm đậu phụ tại địa phương. Tăng cường quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ; thu hút người trẻ tham gia làm nghề, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.

Kim Cúc

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202306/xay-dung-cho-thuong-hieu-dau-phu-an-vy-703075a/