Xây dựng chuỗi giá trị tại hợp tác xã: Khó vẫn kiên quyết làm

Sản phẩm rượu tằm Hòa Phong vẫn gặp khó ở khâu tiêu thụ. Ảnh: MINH DUYÊN

Đến nay, hầu hết các chuỗi giá trị nông nghiệp tại các HTX vẫn đang ở dạng mô hình nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung. Các HTX cần nâng cao hơn nữa để chuỗi phát triển bền vững.

Yếu ở khâu tiêu thụ

Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 20 HTX hình thành được 15 chuỗi giá trị, gắn với các nông sản như lúa giống, rau sạch, gạo chất lượng cao, hạt sen, muối sạch, chim cút, khóm, đậu phộng, rượu tằm… Nhưng hầu hết các chuỗi này chưa hoàn chỉnh từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Các HTX mới làm được ở một số khâu. Cụ thể, 15 HTX quản lý sản xuất tốt, 5 HTX xây dựng được thương hiệu độc quyền. Khâu yếu nhất của các HTX vẫn là tiêu thụ.

Một số HTX được biết tới với chuỗi nông sản gần như hoàn chỉnh, gồm HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) với sản phẩm gạo chất lượng cao, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) với sản phẩm rượu tằm, HTX Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) với muối Tuyết Diêm, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) với các sản phẩm từ khóm Đồng Din, HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (huyện Sơn Hòa) với các sản phẩm rau củ quả sạch. Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị này vẫn gặp khó ở khâu tiêu thụ. Theo đại diện HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, hơn 3 năm nay, tổng doanh thu từ bán sản phẩm rượu tằm chưa đủ kinh phí HTX đã bỏ ra đầu tư dây chuyền chế biến. Tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỉ đồng, nhưng HTX mới thu về hơn 500 triệu đồng, được 50% kinh phí.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương có sẵn tiềm năng để xây dựng chuỗi giá trị nhưng HTX vẫn chưa nắm bắt được. Điển hình có HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Xuân Tây 1 (TX Đông Hòa), HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đã được UBND tỉnh phê duyệt tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, được hỗ trợ vốn mua máy móc để chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhưng các HTX này vẫn chưa làm được. Ông Nguyễn Dữ, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Phước, cho biết: Từ nguồn vốn nông thôn mới, HTX được hỗ trợ máy móc, xây dựng thương hiệu. Bà con rất nhiệt tình tham gia với mong muốn cây đậu phộng giúp nâng cao đời sống. Tuy nhiên, hiện đơn vị vẫn chưa thể hiện đại hóa khâu chế biến và đặc biệt gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), trên địa bàn tỉnh chưa có sản phẩm nào được công nhận là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm làng nghề) của tỉnh, do vẫn sản xuất thủ công và tuy có bao bì, nhãn mác nhưng chưa có thương hiệu trên thị trường.

Hướng đến chuỗi liên kết quy mô cấp tỉnh

Lý giải về những khó khăn các HTX gặp phải, ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho hay: HTX là đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên của tỉnh thực hiện sản xuất tập trung, mua máy móc phục vụ chế biến và có đăng ký nhãn mác với sản phẩm lúa giống. Nhưng nhiều năm qua, đơn vị vẫn chưa thể hoàn thành chuỗi giá trị ở quy mô cấp tỉnh. Nguyên nhân do phạm vi hoạt động của HTX nhỏ, chủ yếu cấp xã nên khó hình thành chuỗi liên kết sản xuất theo vùng tập trung. Trong tỉnh, hiện có tới 7 HTX ở 7 xã khác nhau cùng làm sản phẩm này và mỗi HTX có hướng đi riêng, rất khó để tập hợp các HTX này cùng sản xuất tập trung, đầu tư vốn xây dựng chuỗi liên kết bài bản.

Theo Liên minh HTX tỉnh, việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản là một chủ trương lớn không chỉ của tỉnh mà còn của Bộ NN-PTNT, của Liên minh HTX Việt Nam, vì vậy nhất thiết phải kiện toàn HTX để tiếp tục đồng hành với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển. Trong lộ trình thực hiện chủ trương lớn này, sau 3 năm triển khai, các HTX trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên với chi phí đầu vào thấp hơn trước từ 8-12%, doanh thu tăng gấp 1,2 lần và thu nhập thành viên tăng từ 15-20%.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khẳng định: Đơn vị sẽ đồng hành cùng các HTX để giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng cho được chuỗi giá trị nông sản. Liên minh sẽ kêu gọi vốn hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cán bộ HTX…, biến những mô hình nhỏ lẻ hiện nay trở thành các chuỗi liên kết ở quy mô cấp tỉnh.

Theo Liên minh HTX tỉnh, việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản là một chủ trương lớn không chỉ của tỉnh mà còn của Bộ NN-PTNT, của Liên minh HTX Việt Nam, vì vậy nhất thiết phải kiện toàn HTX để tiếp tục đồng hành với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/244844/xay-dung-chuoi-gia-tri-tai-hop-tac-xa--kho-van-kien-quyet-lam.html