Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức cấp phường dôi dư

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, GĐ Sở Nội vụ Vũ Thu Hà đã trình bày tham luận: 'Kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương khóa XII'.

Theo bà Vũ Thu Hà, mô hình quản lý hiện hành của TP chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị rất thấp.

Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương và TP còn nhiều bất cập; một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn; giữa Thủ đô và các tỉnh, TP trong cả nước, không tạo được sự chủ động cho Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, yêu cầu để phát triển hội nhập của Thủ đô hiện đại, văn minh...

Tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2012, Bộ Chính trị đã "đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật". Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được thực hiện từ ngày 1-7-2021 và hiện nay, Bộ Nội vụ đang triển khai xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan. (Ảnh minh họa)

Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan. (Ảnh minh họa)

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND TP chỉ đạo rà soát bố trí, sắp xếp đội ngũ, công chức phường (bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức chuyên môn của phường theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước) và triển khai các nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, thị xã; quy định chức năng, quyền hạn của Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND quận, phường.

Đồng thời, phối hợp với Ban tổ chức Thành ủy xây dựng Quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, phù hợp với quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Thành ủy; sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, xây dựng và trình HĐND TP có cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường khi thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật.

“Việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 sẽ làm cho bộ máy chính quyền TP tinh gọn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính ở cấp huyện và cấp xã sẽ tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách ở địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc”, bà Hà nói.

Cụ thể, các cơ quan chuyên môn trực thuộc được sắp xếp lại và giảm bớt; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền TP, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền. Do vậy, hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền TP được nâng cao, không chỉ trong quản lý đô thị hiện đại, phát triển mà còn đảm bảo cả trong những tình huống khẩn cấp, khó khăn như hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo GĐ Sở Nội vụ, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần đảm bảo bước đi thận trọng trong cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước ở TP Hà Nội; vừa đảm bảo tính kế thừa cao, vừa giữ được ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã. Vì vậy, cần có một số điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã và UBND phường cho phù hợp với đặc điểm của quản lý của chính quyền đô thị trong khu vực các quận.

Trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND TP tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, rà soát trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt ở các nhiệm vụ phức tạp, giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan, đơn vị. Đáng chú ý, việc đưa ra các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập được xem là nội dung quyết định đến khả năng có tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp được 10% giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc; nâng cao dịch vụ công mức độ 3 và 4 để phục vụ người dân và DN tốt hơn.

Cùng với đó, điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở danh mục khung vị trí việc làm được Bộ Chính trị thông qua và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ quản lý chuyên ngành. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ: chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới công tác tuyển dụng; nâng cao chất lượng đánh giá công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động; thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên và đột xuất...

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-co-che-chinh-sach-dac-thu-doi-voi-can-bo-cong-chuc-cap-phuong-doi-du-214166.html