Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá trong lĩnh vực văn hóa
Ngày 18-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đánh giá khái quát, toàn diện về vai trò, ý nghĩa của văn hóa trong lịch sử dân tộc; những tồn tại, yếu kém do chính sách, chủ trương, tổ chức thực hiện, nguồn lực; vấn đề mới đặt ra trong bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa dân tộc cùng với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Hai nhóm nhiệm vụ lớn của chương trình là những vấn đề cấp thiết trong bảo tồn, phục dựng các giá trị, di sản văn hóa và xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, theo xu thế thời đại.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, chương trình đặt ra 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể, tập trung vào các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện, giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đúng thời hạn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quán triệt, bám sát các văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.