Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

5 năm qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước.

Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ. Công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện vấn đề, lấy ý kiến để tổng hợp, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật được thực hiện bài bản, khoa học. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật được coi trọng. Trên cơ sở nghiên cứu, tham mưu của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Nghị quyết là cơ sở quan trọng định hướng phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng khen tặng các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp công đoàn (tháng 5-2023). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng khen tặng các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp công đoàn (tháng 5-2023). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cùng với đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4-11-2020 sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về phát triển nhà ở dành cho công nhân, lao động, trực tiếp là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Các cấp công đoàn tích cực đề xuất với cấp ủy, tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách, quy định, nội quy, quy chế thuộc ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Phân công cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở, tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp, phát hiện sớm và giải quyết kịp thời các tranh chấp hoặc nguy cơ tranh chấp lao động, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013-2018. Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, đơn vị, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng khen tặng các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp công đoàn (tháng 5-2023). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng khen tặng các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp công đoàn (tháng 5-2023). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức công đoàn như “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân” lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu ở cơ sở. Riêng “Tết sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp gần 14.000 NLĐ được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng. Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” tiếp tục được mở rộng, định kỳ được rà soát, đánh giá, bổ sung các đối tác mới với những ưu đãi phục vụ trực tiếp lợi ích của đoàn viên, NLĐ. Hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được duy trì với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.

Khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư, ảnh hưởng lớn đến việc làm, sức khỏe, đời sống của đoàn viên, NLĐ, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam kịp thời ban hành văn bản, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai các biện pháp phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành và tổ chức triển khai 5 gói hỗ trợ với quy mô lớn dành cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, trang thiết bị cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19... với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.

 Một ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên).

Một ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên).

Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức công đoàn triển khai Phong trào “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, cụ thể hóa bằng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “Một triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” với nhiều đổi mới về cách thức, biện pháp thực hiện, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ trực tiếp tham gia, đã thể hiện vai trò của tổ chức công đoàn, đóng góp tích cực trong việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ cho gần 82.000 đoàn viên, NLĐ đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 114 tỷ đồng; dự kiến sẽ có hơn 90.000 đoàn viên, NLĐ tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 145 tỷ đồng.

Công tác phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở được tập trung, triển khai bằng nhiều giải pháp mới, đạt kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, đã kết nạp mới 4.460.933 đoàn viên; thành lập 24.320 công đoàn cơ sở. Từ năm 2018 đến nay, các công đoàn cơ sở đã giới thiệu cho Đảng được hơn 700.000 đoàn viên ưu tú, có hơn 400.000 đoàn viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, NLĐ tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục phát huy vai trò, nòng cốt trong các phong trào thi đua của tổ chức công đoàn, được các cấp công đoàn cụ thể hóa sát với thực tiễn trong tình hình mới. Giai đoạn 2018-2023, đã có 2.889.318 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới mang lại giá trị làm lợi 163.724 tỷ đồng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tặng thưởng 5.233 bằng Lao động sáng tạo. Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức công đoàn” được phát động cùng với việc ban hành “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” đã tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ công đoàn cả nước phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và sự tâm huyết, đóng góp cho sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn.

 Một ca sản xuất của công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Một ca sản xuất của công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Thời gian tới, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ diễn ra phức tạp, gay gắt hơn; cục diện đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét; nguy cơ xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo; đối đầu giữa các quốc gia tạo thách thức rất lớn đối với nước ta. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới, đời sống, việc làm của NLĐ còn kéo dài. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống tiếp tục gia tăng và ngày càng phức tạp.

Trong nước, Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo tiếp tục được hoàn thiện; công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nền kinh tế còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Công đoàn và đất nước ta. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều, tạo sự thay đổi lớn về lao động, việc làm và quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ... Cùng với đó, đất nước ta thực hiện các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi đầy đủ các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sự xuất hiện tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động công đoàn.

Tình hình trên đòi hỏi các cấp công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, chủ động tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại lớn mạnh. Nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp, cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh đến năm 2030, 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đề xuất Bộ Chính trị sớm tổng kết Nghị quyết 20, ban hành nghị quyết mới về giai cấp công nhân, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Công đoàn giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng giai cấp công nhân về chính trị, tư tưởng, đạo đức, học vấn, tác phong, kỷ luật lao động; củng cố và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Tích cực tuyên truyền về Đảng, phát hiện, bồi dưỡng, giác ngộ đoàn viên, cán bộ công đoàn ưu tú, có triển vọng, chuẩn bị nguồn cán bộ công đoàn lâu dài, đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân trong tình hình mới và giới thiệu cho Đảng xem xét, phát triển đảng viên. Tăng cường sự chủ động của tổ chức công đoàn trong tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, NLĐ. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân, lao động; các chính sách đối với lao động làm việc trong các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Tập trung xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), tham gia xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi). Tăng cường công tác nắm bắt thông tin, đối thoại, lắng nghe phản ánh từ cơ sở; làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật trên quan điểm lợi ích của NLĐ. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, NLĐ, nhất là trong việc tham gia tố tụng giải quyết các vụ án lao động. Công đoàn cơ sở thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nghiên cứu hình thành các chương trình phúc lợi công đoàn để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ thường xuyên và hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm. Tích cực nghiên cứu, đề xuất nâng cao phúc lợi xã hội cho NLĐ, nhất là về nhà ở, giáo dục, y tế; phối hợp triển khai phúc lợi doanh nghiệp nhằm chia sẻ, hỗ trợ, khuyến khích NLĐ gắn bó với doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả các chương trình, mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ. Các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền và tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục cụ thể hóa tiêu chí sát hợp với từng nhóm đối tượng, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu công đoàn các cấp. Chú trọng xây dựng các gương điển hình, định kỳ tổ chức biểu dương, khen thưởng; nhân rộng các mô hình, điển hình trong học tập và làm theo Bác trong toàn hệ thống. Đầu tư phát triển các nền tảng số, các phương thức, phương tiện truyền thông mới, tăng cường sự tương tác và giao tiếp với đoàn viên, NLĐ. Thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn. Phối hợp với cơ quan chức năng, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các cấp công đoàn; phòng ngừa tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, nhất là “tín dụng đen” trong đoàn viên, NLĐ.

Bốn là, đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả. Phong trào thi đua yêu nước trong tổ chức công đoàn sát hợp từng đối tượng, hướng về cơ sở, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác. Tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò nòng cốt của Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung, phát động các đợt thi đua gắn với việc thúc đẩy nâng cao năng suất lao động quốc gia. Tăng cường tuyên truyền nêu gương, nhân rộng điển hình tiên tiến; bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch trong khen thưởng. Phát huy, đổi mới các hình thức lựa chọn, tôn vinh các chương trình, giải thưởng do Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành.

Năm là, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo NLĐ gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tập trung thực hiện tốt công tác đoàn viên. Chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng linh hoạt, thủ tục đơn giản. Tập trung nguồn lực tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, lao động khu vực phi chính thức. Nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn đi đôi với tăng cường công tác quản lý đoàn viên. Nghiên cứu, xây dựng mô hình, cơ cấu tổ chức công đoàn cơ sở theo hướng tinh gọn. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào công đoàn. Đẩy mạnh sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy các cấp công đoàn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, đồng bộ. Quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn trong các lĩnh vực thiết yếu, cốt lõi theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.

Phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam qua gần 95 năm xây dựng, phát triển, cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ cả nước đoàn kết, nêu cao tinh thần đổi mới, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc

NGUYỄN ĐÌNH KHANG - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-cong-doan-viet-nam-vung-manh-toan-dien-gop-phan-thuc-hien-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc-753821