Xây dựng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu

Bài 3: Định hình hệ thống giao thông xanh

Các tuyến xe buýt điện, với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, đánh dấu bước phát triển mới của mạng lưới xe buýt Thủ đô. (Ảnh LINH VIỆT)

Các tuyến xe buýt điện, với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, đánh dấu bước phát triển mới của mạng lưới xe buýt Thủ đô. (Ảnh LINH VIỆT)

Ðể khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí tại khu vực nội đô, hai năm gần đây, thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng một số loại hình giao thông xanh, được các chuyên gia, người dân đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường. Với hàng loạt dự án, đầu việc được triển khai, Hà Nội đang từng bước định hình và hướng tới thành phố giao thông xanh.

Từ khi tuyến xe buýt điện E05 Long Biên-Cầu Giấy đi vào hoạt động, chị Nguyễn Thu Hà ở phường Ðức Giang (quận Long Biên) chuyển từ đi xe máy sang đi xe buýt đến chỗ làm. "Tôi nghe bạn bè nói đi xe buýt điện tiện lợi, hiện đại lắm, nên đi thử và thấy đúng thế thật. Xe chạy êm, sử dụng năng lượng xanh, không có mùi xăng, tạo cảm giác thoải mái cho hành khách. Chắc chắn tôi sẽ gắn bó lâu dài với xe buýt điện và sẽ chia sẻ để mọi người cùng chuyển sang sử dụng phương tiện này thay cho xe cá nhân", chị Hà chia sẻ.

Từ đường sắt đô thị, xe buýt điện…

Chính thức vận hành từ đầu tháng 12/2021, đến nay Vinbus đã đưa vào khai thác tám tuyến xe buýt điện với hàng trăm phương tiện hiện đại, kết nối các khu vực đông dân cư, các điểm trung chuyển xe buýt, cũng như tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Ðông. Rất nhiều hành khách đã bày tỏ thiện cảm với loại hình buýt mới này ngay từ lần đầu sử dụng dịch vụ. Nhờ đó, chỉ sau hơn bốn tháng vận hành, các tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động ổn định. Số lượng hành khách có xu hướng tăng dần, bình quân từ 16 đến 20 hành khách/lượt. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng khá cao, bình quân đạt hơn 107 hành khách/tháng/tuyến. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá: Các tuyến xe buýt điện, với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, đánh dấu bước phát triển mới của mạng lưới xe buýt Thủ đô. Ðây cũng chính là một điểm sáng của giao thông đô thị Thủ đô, tạo ra bước ngoặt trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông xanh.

Cùng với xe buýt điện, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông được đưa vào khai thác từ cuối năm 2021 đã đạt thành công ngoài mong đợi khi lượng khách ngày một tăng. Anh Vũ Hưng ở phường Văn Quán, quận Hà Ðông đã đi tàu được ba tháng và thấy rất tiện lợi. "Tôi đi xe máy từ nhà ra gửi xe gần ga để lên tàu đi vào trung tâm thành phố làm việc. Trước kia đi nhanh cũng phải mất 45 phút mới đến chỗ làm, tắc đường rất mệt mỏi. Bây giờ tính cả thời gian gửi xe, đi bộ từ Cát Linh sang Ðội Cấn cũng chỉ khoảng 25 phút, vừa nhàn, vừa khỏe. Ngồi trên tàu hiện đại, không ồn ào còi xe, khói bụi, lại được ngắm thành phố từ trên cao, thật thư thái", anh Hưng cho biết.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Ðường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, từ ngày 6/11/2021 đến hết 26/5/2022, tuyến đã vận hành an toàn 202 ngày, vận chuyển được hơn 3,1 triệu lượt hành khách, bình quân đạt 15.633 lượt hành khách/ngày. Tỷ lệ tàu chạy đúng giờ 99,98%. Tỷ lệ hành khách đi vé tháng bình quân đạt từ 55 đến 60%; giờ cao điểm số hành khách sử dụng vé tháng chiếm từ 75 đến 80%. Ðiều đó cho thấy sức hút của loại hình giao thông công cộng này.

Thành công bước đầu của tuyến tàu điện Cát Linh-Hà Ðông giúp thành phố có thêm quyết tâm để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị khác. Trước mắt vào cuối năm 2022, tuyến Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao (từ Nhổn đến Cầu Giấy) sẽ được đưa vào khai thác. Trong khi đó, tuyến metro ngầm ga Hà Nội-Hoàng Mai cũng đang được gấp rút hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai, dần khép kín mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường nội đô.

Đến xe đạp công cộng

Không chỉ đầu tư cho các loại hình vận tải công cộng cỡ lớn, Hà Nội còn chú trọng phát triển xe đạp công cộng, bởi đây là phương tiện xanh, không gây ô nhiễm môi trường, khi lưu thông ít có khả năng gây áp lực cho giao thông đô thị nói chung. Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Nguyễn Ðình Chiển phân tích, Hà Nội là một đô thị lớn với các cụm dân cư có mật độ dày, nhất là trong nội thành, nhà cửa san sát, đường sá nhỏ hẹp. Trong bối cảnh đó, xe đạp công cộng sẽ phát huy được hiệu quả rất lớn, là phương tiện chính trung chuyển người dân đến với xe buýt, tàu điện.

Ðể khuyến khích cũng như hướng đến thói quen có lợi cho sức khỏe này, Hà Nội đồng ý chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trong 12 tháng. Giai đoạn 1, dự kiến thực hiện thí điểm từ năm 2022-2023. Giai đoạn này đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp; trong đó, có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70-80 vị trí ở quận trung tâm. Giai đoạn 2, dự kiến là từ năm 2023-2024 mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.

Cùng với đó, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Hai Bà Trưng. Trong đó có quy định: Trong khu vực tái thiết đô thị, các tuyến đường cấp nội bộ xây dựng mới phải bố trí vỉa hè rộng tối thiểu 4m để trồng cây xanh, bố trí lối đi riêng dành cho xe đạp. Ðây có thể coi là quy định đầu tiên của thành phố về công tác hạ tầng dành cho xe đạp, làm tiền đề cho việc thiết kế các tuyến đường chuyên biệt dành riêng cho loại hình phương tiện giao thông xanh, góp phần thúc đẩy người dân nhanh chóng tiếp cận với xe đạp công cộng .
------------
(*) Xem Trang Hà Nội từ số ra ngày 7/6 và 10/6/2022.

Hương Sơn và Dũng Toản

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/xay-dung-do-thi-thich-ung-bien-doi-khi-hau-701159/