Xây dựng đô thị thông minh

Với vai trò tiên phong trong hoạch định chiến lược và tổ chức thực tiễn xây dựng đô thị thông minh (ÐTTM), TP Hồ Chí Minh đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cả nước. Kỳ vọng về một ÐTTM đầu tiên ở Việt Nam đang kiến tạo cho thành phố thời cơ, thuận lợi rất lớn cần khai thác, phát huy. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mà thành phố phải khắc phục, vượt qua.

Trung tâm Giám sát điều hành Công viên phần mềm Quang Trung, TP Hồ Chí Minh.(Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp).

Trung tâm Giám sát điều hành Công viên phần mềm Quang Trung, TP Hồ Chí Minh.(Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp).

Với vai trò tiên phong trong hoạch định chiến lược và tổ chức thực tiễn xây dựng đô thị thông minh (ÐTTM), TP Hồ Chí Minh đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cả nước. Kỳ vọng về một ÐTTM đầu tiên ở Việt Nam đang kiến tạo cho thành phố thời cơ, thuận lợi rất lớn cần khai thác, phát huy. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mà thành phố phải khắc phục, vượt qua.

Bài 1 Phấn đấu trở thành đô thị thông minh vào năm 2025

Ðề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành ÐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025, được thành phố thông qua vào tháng 11-2017. Ðến nay, quá trình xây dựng ÐTTM đã đạt được những kết quả quan trọng, là tiền đề để thành phố hướng đến mục tiêu trở thành ÐTTM vào năm 2025 như Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Hướng đi tất yếu

Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò "đầu tàu", góp phần quan trọng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, song thực tế chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có. Mục tiêu nâng cao tính hấp dẫn, tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh, chỉ số cạnh tranh địa phương thuộc nhóm năm tỉnh, thành phố tốt nhất cả nước chưa đạt; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn. Việc liên kết giữa doanh nghiệp (DN), khoa học, đào tạo với Nhà nước đạt hiệu quả chưa cao cho nên việc đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm.

Thành phố vẫn còn gặp khó khăn trong phát triển hạ tầng các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giao thông, công nghệ 4.0… dẫn đến chưa tạo được sự dẫn dắt phát triển các ngành kinh tế để tạo đột phá về thu hút đầu tư. Sự tụt hậu về hạ tầng là điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất mà thành phố đối mặt hiện nay là sự phát triển của một "siêu đô thị" trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Từ khâu quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý, đầu tư… đều có nhiều bất cập. Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường đã đề ra từ lâu và được triển khai bằng nhiều giải pháp nhưng dường như chưa đưa lại kết quả rõ rệt và trở thành lực cản trong quá trình xây dựng ÐTTM tại thành phố.

"Vấn đề đặt ra đâu là xu thế phát triển mang tính tất yếu khách quan của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sự lan rộng và tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực, đời sống như: Giao thông vận tải, nguồn nhân lực, y tế - sức khỏe người dân, môi trường, chống ngập, chỉnh trang đô thị, an toàn thực phẩm… Có nhiều câu trả lời cho vấn đề này và một trong số đó liên quan đến việc xây dựng thành phố trở thành ÐTTM là điều cấp thiết", PGS, TS Trần Mai Ước, Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, nêu vấn đề.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước nhưng mới bắt tay vào xây dựng đề án ÐTTM cách đây hơn ba năm là hơi trễ so với điều kiện nội tại cũng như nhu cầu phát triển của thành phố. Việc xây dựng ÐTTM sẽ là điều kiện để DN có môi trường thuận lợi chuyển đổi số (CÐS), từ đó phát triển nhanh, bền vững hơn; thành phố có phương thức quản lý hiệu quả, người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất. Thực tiễn nhiều nước trên thế giới đã minh chứng, ÐTTM là cách lựa chọn thông minh duy nhất để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của một đô thị. Với TP Hồ Chí Minh, xây dựng ÐTTM là xu thế phát triển tất yếu để đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, là công cụ hỗ trợ đắc lực quản lý đô thị hiện đại trong tương lai…

Ðòn bẩy phát triển bền vững

Ông Vũ Thanh Tùng, giảng viên Trường đại học Tài chính Marketing cho biết, xu thế hiện đại cho thấy cần thiết phải chuyển đổi mô hình thành phố từ truyền thống sang ÐTTM, xem đây như là động lực thúc đẩy nâng cao hiệu quả quản trị, vận hành đô thị, chăm lo cho đời sống dân cư, phát triển nền kinh tế bền vững. Cùng với sự xuất hiện của công nghệ số, in-tơ-nét và công nghệ di động sẽ khiến cho sự chuyển đổi này càng trở nên khả thi hơn. Rõ ràng, khái niệm "thành phố thông minh" ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết.

Ðến nay, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; xây dựng Trung tâm điều hành ÐTTM; thành lập Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; phê duyệt Ðề án thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm an toàn thông tin thành phố; tổ chức triển khai thí điểm Ðề án tại quận 1 và quận 12; ban hành hướng dẫn mô hình triển khai ÐTTM cho các sở, ban, ngành, TP Thủ Ðức và các quận, huyện làm cơ sở để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện... Ðây là những cấu phần quan trọng làm tiền đề để thành phố xây dựng thành công ÐTTM vào năm 2025.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, xây dựng ÐTTM và CÐS không chỉ là xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn tác động hết sức sâu rộng lên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn, năng động cho nên cũng không nằm ngoài xu hướng này. Chương trình triển khai xây dựng ÐTTM và Chương trình CÐS của thành phố có mối liên hệ mật thiết, gắn kết qua lại, cùng với kiến trúc chính quyền điện tử sẽ tạo nên một kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số để xây dựng thành phố thông minh.

Trong các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố xác định phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố. Ðể thành phố tiếp tục giữ vững vai trò "đầu tàu" kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, thành phố tập trung phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động; là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Trong ba Chương trình đột phá và một Chương trình trọng điểm phát triển thành phố trong giai đoạn 2020 - 2025 mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11 đã đề ra, chương trình đột phá đầu tiên là đột phá đổi mới quản lý thành phố. Trong đó, thực hiện nhanh CÐS, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng thành phố trở thành ÐTTM với hai chương trình cụ thể: Ðề án xây dựng thành phố trở thành ÐTTM đến năm 2025 và CÐS của thành phố. Chương trình triển khai xây dựng ÐTTM và thúc đẩy CÐS đều đặt mục tiêu thành phố là "đầu tàu" về kinh tế số, chính quyền số và xã hội số, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Trong đó, người dân được phục vụ tốt hơn, có chất lượng sống và làm việc tốt hơn, tương tác và giám sát chính quyền hiệu quả hơn.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Cao Tân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/xay-dung-do-thi-thong-minh-647639/