Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững

Gia đình là tế bào của xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc; mỗi gia đình tốt là xã hội tốt, mỗi gia đình giàu mạnh là góp phần cho xã hội phồn vinh.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Kiên Giang, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của gia đình đối với mỗi con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 28-6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam.

Các gia đình vui chơi, chụp ảnh lưu niệm tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Các gia đình vui chơi, chụp ảnh lưu niệm tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Ngày gia đình Việt Nam là sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Sáu, từ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bao đời nay, gia đình truyền thống Việt được gắn kết bền chặt bởi tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên với những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp như kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương, đùm bọc nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động...

Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên đôi khi chưa dành thời gian cho gia đình, từ đó sợi dây gắn kết giữa các thành viên lỏng lẻo, khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu ngày càng lớn… Ngoài ra, bạo lực gia đình cũng là vấn đề đáng quan tâm.

“Để gia đình là tổ ấm, mỗi thành viên trong gia đình, nhất là ông bà, cha mẹ phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho con cháu noi theo. Ông bà, cha mẹ cần quan tâm, dành thời gian cho con cháu để không chỉ khuyên răn, dạy bảo con cháu mà còn chia sẻ với con cháu tâm tư, tình cảm, khó khăn của tuổi mới lớn, đưa ra những lời khuyên hữu ích. Cha mẹ cần trao đổi thường xuyên với giáo viên về tình hình của con để kịp thời nắm bắt, giáo dục con. Một gia đình có sự yêu thương, chia sẻ sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển hạnh phúc của mỗi thành viên”, đồng chí Nguyễn Văn Sáu nói.

Theo cô Võ Thị Thảo Trang - giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hòa An, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), để xây dựng gia đình hạnh phúc phải có sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ công việc giữa các thành viên.

Một gia đình chụp ảnh lưu niệm tại khu đô thị Tây Bắc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

“Gia đình ngày nay ít có từ 3-4 thế hệ sống chung như thời xưa nên ít được lắng nghe sự dạy bảo của ông bà, cha mẹ, đó là thiệt thòi trong việc trao truyền, giữ gìn gia phong tốt đẹp. Đối với những gia đình nhỏ, vợ chồng phải giảm cái tôi của bản thân lại vì nếu ai cũng khăng khăng giữ cái tôi của mình thì gia đình rất dễ tan vỡ. Vợ chồng tôi cùng chung tay vì con, khi bất đồng quan điểm là giải quyết dứt điểm ngay và không to tiếng trước mặt con, nhờ vậy gia đình tôi đến nay vẫn hạnh phúc”, chị Trang nói.

Thầy Lê Văn Hơn - giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Thuận 2, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho rằng để giữ gia đình hạnh phúc, các thành viên cần tôn trọng, chia sẻ, đồng lòng và cùng xây dựng gia đình.

“Các thành viên gia đình tôi tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ với nhau, từ đó thành viên trong gia đình cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Mỗi người nên biết điều chỉnh cảm xúc và khéo léo giải quyết các vấn đề, đặt mình vào vị trí của người kia để thấu hiểu, chia sẻ, hóa giải vấn đề”, thầy Hơn nói.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc-ben-vung-15421.html