Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ người thu gom phế liệu

Người thu gom phế liệu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tái chế hướng đến kinh tế tuần hoàn, cần nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn để đảm bảo sinh kế và cuộc sống.

Người thu gom phế liệu tham gia chương trình hỗ trợ của Coca-Cola Việt Nam

Người thu gom phế liệu tham gia chương trình hỗ trợ của Coca-Cola Việt Nam

Ước tính không chính thức của một số tổ chức tái chế, Việt Nam có khoảng 3 triệu người đang hành nghề đồng nát, ve chai. Nhóm lao động phi chính thức này phải đối diện với không ít thách thức do thu nhập bấp bênh, môi trường làm việc độc hại nhưng không được hưởng an sinh xã hội.

Tuy vậy, nghề đồng nát, ve chai đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bức tranh quản lý chất thải rắn tại Việt Nam, khi chính sách phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai triệt để.

Thấu hiểu những khó khăn, vất vả cũng như vai trò không thể thiếu của người thu gom phế liệu, nhất là trong bối cảnh công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đang được thực thi, cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho nhóm lao động phi chính thức này.

Mới đây, Công ty Coca-Cola Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Mạng lưới người thu gom (TCN) tổ chức Ngày hội sức khỏe, an toàn lao động cho lực lượng thu gom phế liệu.

Trong khuôn khổ sự kiện, người thu gom phế liệu được tham gia chương trình tập huấn sơ cứu, cung cấp những kiến thức về cứu hộ, cách xử lý các chấn thương thường gặp khi tiếp xúc với rác thải và các vật liệu sắc nhọn.

“Không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng sơ cứu, hoạt động tập huấn còn giúp người thu gom phế liệu cảm thấy an toàn, tự tin hơn vào công việc”, TS. Kasia Weina, Giám đốc TCN, cho biết.

Bên cạnh đó, ban tổ chức chương trình trao tặng mỗi lao động thu gom phế liệu tham gia chương trình một bộ dụng cụ sơ cứu y tế đầy đủ để có thể chủ động ứng phó với tình huống nguy hiểm phát sinh khi hành nghề.

Song song với tổ chức sự kiện, Coca-Cola Việt Nam đặt mục tiêu kết nạp thêm 150 người thu gom phế liệu vào mạng lưới của TCN, nâng tổng số thành viên lên 1.550 vào năm 2024. Trong mạng lưới này, người thu gom phế liệu có cơ hội tham gia các hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng và nhận nhiều hỗ trợ phúc lợi.

Theo ông Bùi Khánh Nguyên, Phó tổng giám đốc đối ngoại, truyền thông và phát triển bền vững Coca-Cola Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của người thu gom phế liệu đối với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn tạo hiệu ứng lan tỏa để cộng đồng doanh nghiệp chung tay tạo những tác động lớn hơn đến lực lượng lao động yếu thế này”, ông Nguyên nói.

Bên cạnh Coca-Cola, nhiều chương trình khác cũng được các doanh nghiệp triển khai, đơn cử như Công ty CP VietCycle phối hợp với Unilever Việt Nam xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ, tôn vinh người thu gom phế liệu.

TS. Quách Thị Xuân, Trưởng đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) tại Việt Nam, đánh giá cao những sáng kiến thành lập hệ sinh thái hay mạng lưới cho người thu gom phế liệu.

“Những tổ chức như vậy sẽ tạo ra tiếng nói đủ lớn, đủ mạnh để người thu gom phế liệu được lưu tâm hơn trong các quyết định chính sách”, bà Xuân cho biết.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/xay-dung-he-sinh-thai-ho-tro-nguoi-thu-gom-phe-lieu-d37490.html