Xây dựng hệ sinh thái ngành thủy sản - 'chìa khóa' giải 'bài toán' tăng cơ hội tận dụng FTA

Xây dựng mô hình hệ sinh thái ngành thủy sản được coi là 'chìa khóa' để giải 'bài toán' gia tăng cơ hội tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Xuất khẩu thủy sản được được xem là điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng năm 2024. Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu các ngành hàng thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về nội dung này:

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản được xem là điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu của cả nước. Vậy ông có thể thông tin rõ hơn về tình hình xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng 2024? Đâu là những mặt hàng “ngôi sao” của toàn ngành?

9 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt khoảng 7,16 tỷ USD, tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ. Đây là con số tương đối ấn tượng, “gỡ gạc” cho những khó khăn trong năm vừa qua do lạm phát.

Những mặt hàng xuất khẩu thủy sản là “ngôi sao” trong năm qua đó là những mặt hàng mà chúng ta có lợi thế về nuôi trồng, chất lượng, sản xuất được mặt hàng giá trị gia tăng. Đó chính là tôm.

Tôm xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng, cả tôm sú và tôm chân trắng. Trong đó, tôm chân trắng chiếm đa số về lượng xuất khẩu. Trong đó mặt hàng tôm có mã HS 16 (tôm chế biến sâu - mặt hàng chế biến giá trị gia tăng) hiện nay đã chiếm khoảng 70% lượng tôm xuất khẩu tính theo giá trị nằm trong danh mục hàng giá trị gia tăng. Kết quả này đã làm tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng tôm chân trắng khi xuất khẩu ra thế giới.

Hiện chúng ta đã xuất khẩu đến hơn 160 thị trường. Trong đó có ba thị trường chiếm lưu lượng lớn, tỷ USD phải kể đến đều là những thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương. Một là khu vực thị trường CPTPP chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Thứ hai là thị trường châu Âu có EVFTA chiếm khoảng 10% và thứ ba là thị trường Hàn Quốc với hiệp định VKFTA chiếm khoảng 9%.

Cả ba thị trường này đều là những câu lạc bộ, những khu vực thị trường có kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD trở lên. Bên cạnh điểm sáng là xuất khẩu tôm, thì hiện nay, xuất khẩu cá ngừ đang gặp nhiều rào cản.

Hiệp định EVFTA dành cho Việt Nam hạn ngạch khoảng 11.500 tấn được hưởng thuế 0% với điều kiện phải là cá của Việt Nam, C/O thuần túy. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước đã và đang tận dụng rất tốt những ưu đãi từ EVFTA.

Tuy nhiên hiện nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đang gặp phải thách thức cục bộ ở giai đoạn này. Bởi 85% cá ngừ Việt Nam khai thác là cá ngừ vằn chủ yếu ở các tỉnh miền Trung. Từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm là cao điểm khai thác để phục vụ xuất khẩu dịp Noel và mùa vụ năm tới. Chúng ta có hạn ngạch 11.500 tấn để xuất sang EU, nhưng chúng ta đang không có đủ nguồn cung nguyên liệu. Đây là bất cập lớn nhất hiện nay trong xuất khẩu thủy sản.

Trong những thành công của xuất khẩu thủy sản, ngoài thuận lợi về thị trường, có nhân tố quan trọng đến từ việc tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do FTA. Theo ông, đâu là những vấn đề mà ngành thủy sản cần chú ý để nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng FTA?

Ngoài vấn đề đầu vào, con giống, đơn hàng, thông tin thị trường… thì việc xây dựng thương hiệu là vấn đề mà doanh nghiệp và cả ngành thủy sản cần phải chú trọng, nỗ lực đẩy mạnh. Bởi từ khẩu sản xuất, xuất khẩu chúng ta đều đã làm được, đã hội nhập được và có những “sân chơi” tốt hơn đối thủ đó là nhờ các FTA. Song, để “chơi” và “chơi tốt hơn” trong sân này chúng ta phải có “sức”. “Sức” ở đây chính là thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng.

Mỗi mặt hàng xuất khẩu phải có một năng lực cạnh tranh nhất định. Năng lực cạnh tranh gắn liền với chất lượng hàng hóa, với những trách nhiệm về xã hội và môi trường… những yêu cầu này, các doanh nghiệp và ngành thủy sản đều đã phải trải qua trong hơn 10 năm vừa qua để đáp ứng các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu.

Tôm là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa

Tôm là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa

Nhưng ở đây, câu chuyện xây dựng thương hiệu sẽ gắn với những quyết định, những câu chuyện nhập hàng, bán hàng của doanh nghiệp Việt Nam để phân phối ở các thị trường châu Âu hay châu Mỹ. Thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng sẽ gắn với quyết định mua hàng của nhà bán lẻ hay chi phối và quyết định nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thường mua hàng hóa có thương hiệu để biết được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa…

Trong thời gian tới, ngành thủy sản phải tiếp tục nỗ lực xây dựng thương hiệu. Để làm được điều này, rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương.

Xây dựng thương hiệu không thể làm trong ngày một, ngày hai, mà cần một quá trình. Xây dựng thương hiệu từ trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu, từ người nuôi trồng, đến chế biến, xuất khẩu… Thương hiệu hàng hóa sẽ quyết định đến nhu cầu của người mua, từ người tiêu dùng đến người bán lẻ cho đến nhà nhập khẩu.

Được biết để nâng cao hiệu quả tận dụng FTA, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội triển khai xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA. Ông đánh giá như thế nào về mô hình Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành thủy sản mà Bộ Công Thương đang xây dựng? Liệu hệ sinh thái này có thực sự là giải pháp căn cơ cho các vấn đề mà ngành thủy sản gặp phải không?

Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành hàng thủy sản sẽ là cách tiệp cận mới, căn bản, quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong một chuỗi quy trình sản xuất, xuất khẩu, một một chủ thể không thể giải quyết được hết vấn đề. Vì vậy, chúng ta phải phối hợp cùng nhau, cùng chung một mục đích làm sao để gia tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu và cố gắng để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA mang lại.

Ví dụ như mặt hàng tôm. Tôm là hàng xuất khẩu chủ lực của ngành. Nhưng chúng ta cần gia tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm này hơn nữa.

Liên quan đến vấn đề con giống và dịch bệnh, đa số hiện nay người nuôi tôm đang gặp vấn đề về dịch bệnh IHB gây cho tôm chậm lớn, còi cọc. Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu, nuôi trồng nhiều năm, chúng tôi biết rằng, căn cơ của dịch bệnh này có thể nằm ở khâu con giống. Ở khâu con giống, trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không phải chỉ một mình Cục Thủy sản giải quyết được vấn đề, mà cần sự phối hợp ở cả Cục Thú ý, địa phương cùng các bên liên quan, đặc biệt là người nuôi tôm - chủ thể quyết định hướng đi, hướng đầu tư…

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ở đây chúng ta cần phối hợp, kết hợp để trở thành một hệ sinh thái, các chủ thể cùng tham gia vào quá trình sản xuất, xuất khẩu để cùng nhau giải quyết những vấn đề vướng mắc, để đi tới mục đích cuối cùng là gia tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt hơn các FTA.

Xây dựng hệ sinh thái FTA cho các ngành hàng, trong đó có thủy sản sẽ gia tăng được năng lực của các sản phẩm, ngành hàng và tận dụng được những cơ hội của thị trường mà Việt Nam đã có các FTA. Ảnh minh họa

Xây dựng hệ sinh thái FTA cho các ngành hàng, trong đó có thủy sản sẽ gia tăng được năng lực của các sản phẩm, ngành hàng và tận dụng được những cơ hội của thị trường mà Việt Nam đã có các FTA. Ảnh minh họa

Chúng ta phải cùng nhau phối hợp, cùng nhau đối diện và cùng nhau giải quyết các thách thức để đẩy mạnh quá trình xuất khẩu. Nếu không sớm giải quyết những rào cản đó, chúng ta sẽ không duy trì được sản lượng, chất lượng xuất khẩu và cũng không thể tận dụng được ưu đãi từ các FTA và “sân chơi” này có thể bị giành mất thị phần.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hiệp hội thủy sản trong mô hình hệ sinh thái tận dụng FTA? Hiệp hội sẽ làm gì để phối hợp hiệu quả với các chủ thể khác trong hệ sinh thái?

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam rất ủng hộ và cũng rất muốn tham gia vào mô hình xây dựng hệ sinh thái FTA cho các ngành hàng, trong đó có thủy sản. Trước mắt, như Bộ Công Thương chia sẻ trước đó, chúng ta sẽ làm thí điểm ở một số khu vực, ngành hàng.

Hiệp hội sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan tham gia vào xây dựng mô hình hệ sinh thái FTA để góp phần giải quyết dứt điểm các bài toán thực tiễn của ngành thủy sản.

Sự phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình xây dựng hệ sinh thái đều hướng đến mục đích chung đó là giải quyết được bài toán nội bộ, để gia tăng được năng lực của các sản phẩm, ngành hàng và tận dụng được những cơ hội của thị trường mà Việt Nam đã có các FTA.

Các FTA đã tạo ra được những “sân chơi” lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu, đây là những điểm thuận lợi và chúng ta phải cố gắng giành, giữ thị phần. Hiệp hội sẽ đóng vai trò tích cực trong các Tổ công tác để xây dựng mô hình hệ sinh thái này.

Xin cảm ơn ông!.

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-he-sinh-thai-nganh-thuy-san-chia-khoa-giai-bai-toan-tang-co-hoi-tan-dung-fta-352204.html