Xây dựng kế hoạch đưa người dân khỏi vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Sáng 2-11, Quốc hội tiếp tục tiến hành đợt họp thứ hai của kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Quốc hội tưởng niệm đồng bào tử nạn, cán bộ hy sinh do bão, lũ

Trước khi bắt đầu chương trình làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu chia sẻ với những mất mát, đau thương của đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Quốc hội đã dành một phút mặc niệm đồng bào tử nạn, cán bộ hy sinh do bão, lũ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm 2020, nước ta liên tiếp hứng chịu các đợt thiên tai lịch sử; trong đó kể từ đầu tháng 10 đến nay, tại nhiều tỉnh miền Trung dồn dập xảy ra các đợt bão, lũ lớn kéo dài nhiều ngày, trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong các đợt mưa lũ, bão lớn, chúng ta vô cùng đau đớn, xót xa khi chứng kiến những vụ sạt lở, vùi lấp nhiều người dưới hàng mét đất đá; nhiều người bị lũ cuốn trôi hoặc mất tích ngoài biển khơi... Đặc biệt là vụ sạt lở vùi lấp nhiều người tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đến thời điểm này, hàng trăm đồng bào đã tử nạn và mất tích, nhiều người vẫn chưa được tìm thấy, có em nhỏ không còn cha mẹ, có gia đình bị vùi lấp toàn bộ. Đây là đau thương, mất mát không gì bù đắp được của gia đình người dân bị tử nạn; thân nhân của các cán bộ đã hy sinh; cũng là mất mát to lớn của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và nhân dân.

 Quốc hội họp tập trung tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội họp tập trung tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp theo, phát biểu mở đầu đợt họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến nay, Kỳ họp thứ mười đã hoàn thành tốt chương trình nghị sự của đợt 1. Về nội dung đợt 2 của kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung rất quan trọng như, Quốc hội sẽ thông qua các nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, nghị quyết kỳ họp...; xem xét quyết định các vấn đề về nhân sự; tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và một số nội dung quan trọng khác...

Hồ thủy điện giúp điều tiết, cắt lũ cho hạ du trong mưa lũ miền Trung

Thời gian làm việc cuối buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp ở tổ, thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021...

Ghi nhận tại tổ 2 (đoàn TP Hồ Chí Minh), tổ 11 (Đoàn: Hà Nam, Bình Phước, Cần Thơ, Bến Tre), tổ 12 (Đoàn: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Kiên Giang), tổ 13 (Đoàn: Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Định),... các đại biểu nhận định, bước vào năm 2020, nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, của nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Thông tin về vấn đề quản lý an toàn, vận hành hồ chứa thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (đoàn Quảng Ngãi) cho biết, cả nước hiện nay có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 56 tỷ mét khối, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước. Theo Bộ trưởng, hiện có đầy đủ quy định quản lý nhà nước trong bảo đảm công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ. Trong đó, quy định trách nhiệm rất rõ các bộ, ngành cũng như quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, công tác vận hành của các hồ, đập thủy điện.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, có một số thông tin cho rằng hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đăk Mi 4 góp phần chống lũ hiệu quả cho vùng hạ du. “Có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28-10, lượng nước về hồ tới 17.000m3/giây, nhưng chính nhờ dung tích lớn của Đăk Mi 4 đã có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ, giúp cắt lũ hơn 55%, nếu không đỉnh lũ về ngày 28-10 sẽ gây ngập lụt trắng toàn vùng hạ du”-Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tại kỳ họp này, khi bàn về tình hình kinh tế-xã hội, Quốc hội cần bàn giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai của các tỉnh miền Trung và kế hoạch ngân sách 2020-2021 phải dành nguồn lực cho vấn đề này. Theo Chủ tịch Quốc hội, trước mắt Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men để không xảy ra dịch bệnh, người dân không bị đói sau bão lũ; cần khôi phục sửa chữa nhà cửa, trường học, trụ sở làm việc, bố trí nơi ăn ở tạm trú, cùng với đó là tiếp tục tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân sạt lở đất, nạn nhân trên biển.

Về lâu dài, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ phải chỉ đạo rà soát các kịch bản biến đổi khí hậu để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo, đánh giá nguy cơ tổn thương thiên tai mang lại để dự kiến nguồn lực ứng cứu; lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của năm 2021 và của cả giai đoạn 5 năm tới. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nhanh chóng quy hoạch sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất; phải có chương trình di dân ra khỏi vùng thiên tai.

Đề cập nguyên nhân gây nên mưa lũ và sạt lở đất ở miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng Thủ tướng lưu ý đặc thù của địa chất khu vực này là kết cấu đất sét, mưa nhiều sẽ gây ra sạt lở. Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế-xã hội, có giải pháp căn cơ khôi phục kinh tế, đời sống người dân sau mưa lũ và đặc biệt là thận trọng xem xét phát triển thủy điện nhỏ.

Buổi chiều, tại hội trường, Quốc hội nghe về tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, sau đó thảo luận tại tổ về nội dung này; nghe Tờ trình về việc Quốc hội xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh; thảo luận ở đoàn về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc; thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Hôm nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-ke-hoach-dua-nguoi-dan-khoi-vung-nguy-co-lu-quet-sat-lo-dat-642786