Xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) có ý nghĩa vô cùng quan trọng

Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và năm 2023. Tuy đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung và mỗi lần đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, song hiện nay nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không giải quyết được các vấn đề mới, quan trọng phát sinh trong thực tiễn.

Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là dự án luật rất quan trọng, có tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Đáp ứng đòi hỏi cấp bách về tăng trưởng điện năng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Điện năng được xem như là bánh mì của nền kinh tế. Điện phải đi trước một bước để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, trước đòi hỏi cấp bách về tăng trưởng điện năng theo quy hoạch, nếu không có những cơ chế bảo đảm, thông thoáng thì rõ ràng không thể thực hiện được.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao đổi về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao đổi về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Đến năm 2030 (tức là còn hơn 5 năm nữa) Việt Nam phải đầu tư gấp hai lần số tổng công suất toàn hệ thống hiện nay, tương đương với mức 150.524 MW và đến năm 2050 (tức là còn 25 năm nữa), phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương với mức 530.000 MW trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế thì quá trình chuyển dịch năng lượng ở nước ta cũng đòi hỏi một hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này phải rất thông thoáng, đồng bộ thì mới thực hiện được.

Điều này đồng nghĩa Việt Nam phải phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời phải chuyển đổi mạnh những nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch từ điện than cho đến điện khí, bởi điện khí trong giai đoạn đến sau năm 2030 cũng không phát triển được nữa (do điện khí phát thải tới 40% so với điện than); hơn nữa, khí thiên nhiên cũng là nguồn không phải vô tận và giá của nguồn nhiên liệu này theo giá thị trường cũng khá cao. Điều này rất rủi ro khi Việt Nam không phải là quốc gia sở hữu nhiều sản lượng khí thiên nhiên để cung cấp cho các nhà máy điện.

Dựthảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 6 chính sách lớn

Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn bao gồm:

Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.

Cùng với đó, quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Kho cảng LNG Thị Vải.

Kho cảng LNG Thị Vải.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, đã bám sát vào 6 chính sách nêu trên.

Dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện, bỏ 4 điều (tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực; thanh tra điện lực), gộp 4 điều vào các điều khác (về nội dung chính sách phát triển, đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện).

Đồng thời, bổ sung 68 điều về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi), năng lượng mới (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...

Mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo

Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này tăng hơn 60 điều so với luật hiện hành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lý giải việc tăng các Điều, Khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới để mở đường cho việc phát triển mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước; phát triển thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện và chế tài xử lý nghiêm các dự án điện chậm tiến độ.

Bộ trưởng còn cho biết, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã làm rõ hơn thẩm quyền để quyết định chủ trương đầu tư của các loại hình nguồn điện. Chẳng hạn như điện gió ngoài khơi, đến giờ này không biết ai là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư? Không biết ai là người có thẩm quyền quyết định khảo sát đáy biển? Khảo sát gió, cường độ, tần suất….

“Từ trước đến nay chúng ta chưa có nguồn điện này, bây giờ mới có, cho nên chúng ta phải đưa vào luật, do đó làm tăng điều, tăng chương”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-luat-dien-luc-sua-doi-co-y-nghia-vo-cung-quan-trong-800479