Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, dù còn nhiều khó khăn nhưng Bình Thuận luôn quan tâm phát triển văn hóa, từng bước đầu tư cho thiết chế văn hóa. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn cơ sở, với nhiều nội dung và hình thức phong phú, trở thành 'món ăn' tinh thần không thể thiếu của nhân dân.
Xây dựng môi trường văn hóa lành
Thêm nhiều sân chơi cộng đồng
Cứ 4 giờ chiều hàng ngày, mặc cho trời mưa hay nắng, tại nhà văn hóa khu phố 5, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết vẫn rộn rã tiếng nói cười của các cụ ông tham gia tập luyện bóng bàn. Thỉnh thoảng những pha đập bóng quyết liệt, vuốt bóng tinh tế lại dành được lời tán dương và tiếng cổ vũ từ bên ngoài. Dẫu đã ngoài 65 tuổi, đôi chân kém nhanh nhẹn, nhưng các cụ đều bảo rằng “được giao lưu, chia sẻ với nhau đó là niềm vui, chứ ở nhà lại nhức mỏi hơn”.
Đi tìm thêm những sân chơi cộng đồng như vậy, chúng tôi ra công viên Thể thao (Khu đô thị du lịch biển). Đúng như tên gọi, dù sáng sớm hay chiều tối đều có rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi đang đi bộ trên không, lắc hông, xoay eo, đạp xe, kéo xà đơn, tập lưng… với những dụng cụ tập luyện ngoài trời. Nhóm lại chọn giải pháp đi bộ. Còn đám trẻ con tha hồ chạy nhảy, vui đùa trên những thảm cỏ xanh. Từ ngày có khu thể thao miễn phí này đã làm thay đổi cách sinh hoạt của người dân. Sự năng động, vui vẻ hiện rõ trên mắt và nụ cười của họ.
Đáng mừng là những sân chơi thể thao quần chúng trong những năm gần đây đã được chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm xây dựng. Hầu như các địa phương đều có đội thể thao hoặc câu lạc bộ hoạt động thể thao. Ngoài các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, chạy việt dã, đi bộ... một số môn thể dục dưỡng sinh, khiêu vũ, dân vũ, đàn dân tộc dành cho người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên được phát triển.
Hiện toàn tỉnh có 28 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng, 131 bể bơi, 12 sân vận động có khán đài, 13 sân vận động không có khán đài, 238 sân bóng chuyền, 11 sân bóng rổ, 34 sân tennis, 220 sân cầu lông, 219 sân bóng đá mini và 436 câu lạc bộ thể thao ở khu dân cư phục vụ cho nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao của nhân dân. Tỷ lệ người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 31%, tỷ lệ trường học đảm bảo giáo dục thể chất đạt 100%. Ngoài ra, có hơn 200 điểm tập thể dục thể thao thanh thiếu niên, 1 trung tâm sinh hoạt dã ngoại, 1 nhà thiếu nhi cấp tỉnh… góp phần thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Phong trào thể thao không chỉ mang lại sức khỏe cho nhiều người mà có nhiều tác động mạnh mẽ đến nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh, xây dựng mối quan hệ bình đẳng, nhân ái và ý thức chấp hành pháp luật.
Đến cuối năm 2019, qua bình xét toàn tỉnh có 282.412/304.819 hộ đạt gia đình văn hóa, tỷ lệ 92,6% so với tổng số hộ toàn tỉnh, tăng 192.576 hộ gia đình văn hóa so với năm 2000. Đây là cơ sở vững chắc thúc đẩy thôn, khu phố văn hóa và góp phần xây dựng con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó công tác dân số, giáo dục, y tế được chú trọng, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ trẻ em huy động đến trường đạt gần 100%. Người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.
Không chỉ chăm lo trong phạm vi hẹp của gia đình, mà các hộ dân còn ý thức cùng địa phương xây dựng những tuyến đường đẹp, làm cho cảnh quan nông thôn có sự thay đổi rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 65,6%), hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao, vượt 15 xã theo chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, vượt 13 xã so chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020…