Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Những năm qua, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được An Giang xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của xã hội. Tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình văn hóa. Đồng thời, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, triển khai nhiều phong trào hành động sâu rộng trong xã hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc, tiến bộ, phù hợp điều kiện phát triển KTXH của địa phương. Trong đó, xây dựng môi trường văn hóa là nội dung chủ yếu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thời gian qua, phong trào này tiếp tục được củng cố và nâng chất, từng bước hoạt động ổn định, đi vào nền nếp, chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng cao.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh công nhận 508.212 hộ gia đình văn hóa (đạt 94,2% so tổng số hộ); 879 khóm/ấp văn hóa (đạt 100%); 87 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 75% so tổng số xã); 27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 72,97%). Ngoài ra, các địa phương, đơn vị trong tỉnh còn xây dựng và ban hành Quy chế văn hóa công sở, quy định rõ về quy tắc ứng xử trong thi hành công vụ; thực hiện nghiêm túc quy định không sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên, người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo hướng văn minh, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Hàng năm, tỉnh triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tổ chức tuyên truyền tại khóm, ấp trong toàn tỉnh về nội dung “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; tổ chức sinh hoạt định kỳ về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phổ biến các chính sách, pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 701 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 686 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 403 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại các địa phương.

Các hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng. Tỉnh đầu tư xây dựng Nhà hát tỉnh (diện tích 16.328m2, tổng mức đầu tư trên 215 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh) và Nhà Văn hóa Lao động (diện tích 9.559m2, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng). Đến nay, tỉnh đảm bảo đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, bảo tàng và thư viện. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 câu lạc bộ thể dục - thể thao 1 môn và nhiều môn, trên 1.800 sân bãi tập luyện thể thao các loại. Trong đó, có nhiều sân của tư nhân đầu tư và quản lý, khai thác, tập trung nhiều ở các môn bóng đá mi-ni, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông và thể dục - thể hình, thẩm mỹ; 92 điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động có hiệu quả. 11/11 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh cấp huyện; 93 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, 343 điểm sinh hoạt văn hóa ấp. Điểm vui chơi trẻ em, có 1 Nhà Thiếu nhi tỉnh; 4 Nhà Thiếu nhi cấp huyện; 63 điểm sinh hoạt vui chơi cấp huyện, cấp xã. Các hoạt động văn hóa - thể thao, hoạt động cộng đồng tại các xã nông thôn mới cũng tác dụng tích cực trong việc hình thành lối sống văn minh, tác động tích cực đến việc xây dựng văn hóa đạo đức con người ở vùng nông thôn, biên giới. Trong đó, mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới” tại 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới và các mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc giúp hạn chế sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa không lành mạnh… Qua đó, góp phần củng cố hệ thống chính trị, thiết chế văn hóa địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh.

Việc xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số, Nhân dân, các tín đồ tôn giáo trong tỉnh thường xuyên được quan tâm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBMTTQVN tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” tại 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới. Đến nay, có 42 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 đồn biên phòng. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa đồng bào vùng biên giới, tạo mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với nước bạn Campuchia. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số và phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp Nhân dân. Các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa dân tộc góp phần tăng cường giới thiệu, quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm. Đồng thời, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ những giá trị “chân - thiện - mỹ”. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm thu hút sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân.

MINH THƯ

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xay-dung-moi-truong-van-hoa-lanh-manh-a406284.html