'Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp': Vì sự lớn mạnh công nhân Thủ đô trong kỷ nguyên số

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang chú trọng triển khai cuộc vận động 'Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp' trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và phong trào xây dựng 'Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa' với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'.

Thực tế cho thấy, sự phát triển nhanh của các loại hình doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế đã làm dịch chuyển lao động từ các tỉnh và khu vực nông thôn tham gia vào lực lượng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, dẫn đến trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề, kiến thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận công nhân lao động (CNLĐ) còn thấp; điều kiện sống, sinh hoạt của CNLĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn… Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, với nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới được ký kết và triển khai thực hiện. Do vậy, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” trong CNVCLĐ Thủ đô và phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” là việc làm hết sức cần thiết.

Tổ chức Công đoàn đã quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động. Ảnh: Mạnh Quân

Tổ chức Công đoàn đã quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động. Ảnh: Mạnh Quân

Bám sát tinh thần chỉ đạo trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, trong những năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” trong CNVCLĐ Thủ đô và phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” với nhiều nội dung thiết thực. Trong đó chú trọng tuyên truyền đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đoàn viên, CNVCLĐ về vị trí, vai trò của sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng ứng xử văn minh đến đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là thế hệ trẻ. Đề cao vai trò gương mẫu của mỗi đoàn viên, CNVCLĐ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Các cấp Công đoàn Thủ đô tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong CNVCLĐ, tổ chức các đợt sinh hoạt văn nghệ quần chúng rộng rãi, đẩy mạnh phát triển thể thao quần chúng thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; bồi dưỡng hạt nhân văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và lành mạnh hóa lối sống của đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô. Tổ chức Công đoàn cũng đã quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân; 65 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 Cụm văn hóa thể thao. Từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô.

Song song với đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Chương trình, Hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy, Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội về xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; bám sát yêu cầu, tích cực phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua nhằm hưởng ứng, triển khai thực hiện chỉ tiêu xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Kết quả hằng năm, số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa đạt khoảng 72% so với tổng số đăng ký. Thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026, từ năm 2023 đến nay, đã có 3.657 đơn vị đăng ký công nhận danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, nhận thức rõ việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” trong CNVCLĐ Thủ đô và phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” là việc làm cần thiết, góp phần lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô hiện đại, lớn mạnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức xã hội trong CNVCLĐ; xây dựng và củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có năng lực, uy tín để triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền là cán bộ Công đoàn chuyên trách từ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên…

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-nep-song-van-hoa-cong-nghiep-vi-su-lon-manh-cong-nhan-thu-do-trong-ky-nguyen-so-177678.html