Xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân tộc Pà Thẻn
BHG - Dân tộc Pà Thẻn ở huyện Quang Bình hiện nay có khoảng trên 5.200 người, sinh sống tập trung đông nhất ở xã Tân Bắc và Tân Trịnh. Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cộng đồng dân tộc Pà Thẻn đã tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, hiện đại.
Trước kia, người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, cây lương thực chính là lúa và ngô. Với sự chỉ đạo, định hướng của các cấp và những chính sách đổi mới trong nông nghiệp, tư tưởng, tập quán canh tác, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người nơi đây đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Từ sản xuất tự cung, tự cấp nay họ đã hướng đến sản xuất hàng hóa, kết hợp đa dạng giữa trồng trọt và chăn nuôi. Đa số những người trong độ tuổi lao động đều đi làm công nhân tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, đời sống vật chất của người Pà Thẻn được nâng lên, nhiều hộ vươn lên làm giàu, xây dựng nhà ở kiên cố, mua sắm các trang, thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống.
Bên cạnh đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người Pà Thẻn là một kho tàng phong phú, đa dạng thể hiện qua tín ngưỡng dân gian, lễ, tết truyền thống, văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Một trong những nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu của cộng đồng dân tộc Pà Thẻn là lễ hội nhảy lửa vào giữa tháng 10 âm lịch đến hết tháng Giêng. Đây là lễ hội có từ rất lâu đời, mang màu sắc tâm linh huyền bí, chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét nhân văn, là nơi con người giao hòa, hội tụ sau những ngày lao động mệt nhọc để tìm thấy niềm lạc quan, yêu đời trong cuộc sống. Ngoài ra, dân tộc Pà Thẻn còn tổ chức các lễ tục như lễ cúng đình, cúng ma làng, kéo chày, cúng 30 Tết. Cùng với việc bảo lưu tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tục lệ trong cưới hỏi, ma chay cũng có nhiều thủ tục, nghi lễ khác nhau.
Song song với quá trình xây dựng Nông thôn mới, đồng bào dân tộc Pà Thẻn tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Đến nay, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã cải tiến rất nhiều, đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn những hủ tục mang tính chất mê tín dị đoan, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân. Đặc biệt, có trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã được hai bên gia đình đồng ý cho đi lại, ăn, ở chung sống với nhau như vợ chồng; tình trạng cúng giải hạn khi có người nhà bị ốm vẫn được tiến hành; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao; vệ sinh môi trường, nhà ở chưa sắp xếp hợp lý, ngăn nắp, gọn gàng.
Qua trao đổi, Bí thư Đảng ủy xã Tân Bắc Nguyễn Văn Hưng cho biết: “Toàn xã có 5.099 khẩu với 1.065 hộ, dân tộc Pà Thẻn chiếm 48% tổng số dân. Thực tế cho thấy, những tập quán lạc hậu đã ăn sâu trong suy nghĩ, thói quen của đồng bào DTTS. Nhằm xây dựng đời sống văn hóa mới, xã đã xác định 4 hủ tục cần phải xóa bỏ, liên quan đến vấn đề tảo hôn, đám tang ma, đám cưới, nếp ăn, ở trong sinh hoạt và lấy thôn My Bắc, thôn Lủ Hạ làm điểm. Để đưa nội dung trên đến từng gia đình, từng người dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, loại bỏ hủ tục, phong tục ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, cản trở sự phát triển KT - XH. Đồng thời, phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian, người có uy tín, trưởng dòng họ, trưởng bản trong việc đưa các quy ước, hương ước đến với cộng đồng dân cư”.
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS”, cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình nói chung và đồng bào dân tộc Pà Thẻn nói riêng đồng lòng, quyết tâm cùng vào cuộc “cách mạng” đẩy lùi các hủ tục, nâng cao dân trí, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, đủ đầy.