Xây dựng nghị quyết về cơ chế đặc thù cần bám sát nhu cầu thực tiễn của Thành phố Hà Nội

Ngày 9-6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Theo đó, trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế-xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội đối với TP Hà Nội. Trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc ban hành nghị quyết nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền TP Hà Nội. Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch, bảo đảm việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể. Đồng thời, cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thủ đô Hà Nội phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Qua thảo luận tại tổ, các đại biểu đều tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu theo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước có nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đề nghị nguyên tắc xây dựng Nghị quyết cần thể chế hóa để phù hợp với tình hình và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhu cầu thực tiễn phát triển của TP Hà Nội và bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước. Việc đẩy mạnh phân cấp nguồn thu phải phù hợp với năng lực, khả năng giải ngân các nguồn vốn, gắn với yêu cầu quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả cao hơn và thu hút được nhiều hơn các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng của TP Hà Nội. Cùng với đó, việc thí điểm ban hành chính sách mới phải có tính vượt trội và được sự đồng thuận của người dân Thủ đô; góp phần bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận, Quảng Trị thảo luận ở tổ.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận, Quảng Trị thảo luận ở tổ.

Tán thành với việc ban hành nghị quyết, song đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, về lâu dài cần sửa đổi Luật Thủ đô và có những cơ chế, chính sách mang đúng tầm để bảo đảm yêu cầu xây dựng Thủ đô trong hiện tại và cả tương lai. Đại biểu cho biết, Hà Nội đã có Luật Thủ đô từ năm 2012, có hiệu lực từ năm 2013, song đến nay hầu như các quy định trong luật đã không còn phù hợp. Năm 2017, Hà Nội cũng kiến nghị ban hành Nghị định 63 cũng là một khối cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô song cơ chế đó cũng nhanh chóng lỗi thời....

Do đó, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị Hà Nội cần chủ động hơn; việc ban hành nghị quyết lần này nên gắn chặt với quy định của Luật Thủ đô, vốn đã có những cơ chế, chính sách mở cho Hà Nội. Cùng với đó, khâu tổ chức thực hiện cần được quan tâm nhiều hơn, nếu vướng thì xúc tiến sửa ngay.

"Chính quyền Thành phố cũng cần đặt lại vấn đề về việc tổ chức thực hiện Luật Thủ đô, trên cơ sở đó, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi có bài bản, lâu dài, thể hiện đúng tầm của Thủ đô, chứ không nên học tập mô hình của chính quyền TP Hồ Chí Minh hay TP Đà Nẵng. Đây là điều bị động, không đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của Thủ đô”, đại biểu nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) cũng cho rằng, một số chính sách trong nghị quyết dành cho Thủ đô đã được áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh rồi. Nhấn mạnh "đã là đặc thù thì chỉ có một mà thôi", đại biểu đề xuất, việc xây dựng nghị quyết phải xuất phát từ thực tiễn của Hà Nội; cần dựa vào sơ kết, đánh giá hơn 6 năm thực hiện Luật Thủ đô để có cơ sở thực tiễn xây dựng.

Bên cạnh đó, trên thực tế, Hà Nội đã được ban hành một số cơ chế đặc thù từ năm 2017. “Cần đánh giá lại rằng mấy năm làm đặc thù đó thì đã mang lại ưu điểm gì, có quản lý tốt nguồn lực do đặc thù mang lại để phát triển Thủ đô không, những chính sách đó có phù hợp không? Cần đánh giá lại những vấn đề đó để làm cơ sở thực tiễn thực hiện, chứ chỉ có chủ trương, ý chí và tình cảm để xây dựng thì chưa thể chặt chẽ", đại biểu phân tích.

NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/xay-dung-nghi-quyet-ve-co-che-dac-thu-can-bam-sat-nhu-cau-thuc-tien-cua-thanh-pho-ha-noi-622516