Xây dựng nhãn hiệu chè Phú Thọ: Tạo thương hiệu, khẳng định vị thế

PTĐT - Phú Thọ được coi là cái nôi của ngành chè Việt Nam. Phát triển chè luôn được tỉnh xác định là một trong những chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm cần quan tâm chỉ đạo, đầu tư phát triển.

Xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn là lợi thế trong sản xuất và cấp nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ của các doanh nghiệp chè trên địa bàn huyện Thanh Sơn.

Xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn là lợi thế trong sản xuất và cấp nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ của các doanh nghiệp chè trên địa bàn huyện Thanh Sơn.

PTĐT - Phú Thọ được coi là cái nôi của ngành chè Việt Nam. Phát triển chè luôn được tỉnh xác định là một trong những chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm cần quan tâm chỉ đạo, đầu tư phát triển. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh, đưa cơ giới vào sản xuất được đẩy mạnh đã hình thành vùng sản xuất tập trung có khối lượng hàng hóa lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đưa Phú Thọ đứng thứ 4 về diện tích, đứng thứ 3 về sản lượng chè trong số 28 tỉnh sản xuất chè trong cả nước góp phần quan trọng tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đặc biệt những năm gần đây, tỉnh chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu chè Phú Thọ để tạo thương hiệu khẳng định vị thế của chè Đất Tổ.
Đến nay, diện tích trồng chè của tỉnh là 16,2 nghìn ha; trong đó có 15,6 nghìn ha diện tích chè cho sản phẩm. Chè được trồng tập trung tại các huyện: Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy, Cẩm Khê và thị xã Phú Thọ (chiếm 97,9% diện tích). Hiện toàn tỉnh đã có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn (chiếm 24,1% diện tích chè cho sản phẩm, trong đó đạt tiêu chuẩn RFA, UTZ 1,95 nghìn ha). Chè Phú Thọ có 2 sản phẩm chủ yếu là chè xanh và chè đen. Cơ cấu sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%. Diện tích chè giống mới, chè chất lượng cao khoảng 12,2 nghìn ha, cơ cấu giống khá đa dạng. Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen bước đầu đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...) tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa.Toàn tỉnh hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; có 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 08 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước xây dựng thương hiệu chè riêng cho mình như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, Phú Hộ Trà... Hiện đã hình thành 15 làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh như: chùa Tà, Ngọc Đồng, Hoàng Văn, Phú Thịnh, Đá Hen... Đến nay, có 3 nhãn hiệu tập thể “Chè xanh Phú Hộ”, “Chè xanh Yên Kỳ” và “Chè Long Cốc” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ. Từ lâu, sản phẩm chè Phú Thọ đã được xuất đi nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, EU… và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên do quy trình, công nghệ chế biến, giống và vùng sản xuất nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập khiến cho giá thành sản phẩm chè xanh, chè đen của Phú Thọ chưa xứng với giá trị thực tế, tiềm năng sản xuất của tỉnh.Nhằm xây dựng cơ sở pháp lý, khoa học và triển khai bước đầu hoạt động kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm chè Phú Thọ, UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ” trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) được đánh giá là phù hợp nhất để xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển ngành chè Phú Thọ trong thời điểm hiện nay. NHCN cung cấp cơ sở hợp tác có lợi giữa người sản xuất và kinh doanh chè trên toàn địa bàn tỉnh Phú Thọ. NHCN giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm trên thị trường và xây dựng danh tiếng cho sản phẩm. Thông qua hoạt động kiểm soát của chủ sở hữu NHCN- người tiêu dùng được đảm bảo rằng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường, đồng thời mở rộng thị trường tiềm năng trong nước và trên thế giới, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mang NHCN. Các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng bền vững, có hiệu quả, thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai được trên thực tế mô hình liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm được bảo hộ NHCN theo chuỗi. Qua đó đã xây dựng khung liên kết trồng, thu gom, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; triển khai vận hành mô hình trồng, chăm sóc chè gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo các quy chế, quy trình đã được ban hành. Đồng thời hoàn thành đầy đủ các thủ tục để được cấp NHCN chè Phú Thọ cho 7 đơn vị là: HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc (huyện Tân Sơn); HTX chè Đá Hen (huyện Cẩm Khê); Công ty sản xuất chè xuất khẩu Bảo Long, Công ty chè Phú Đa (huyện Thanh Sơn); Công ty chè Hoài Trung (huyện Thanh Ba); Công ty TNHH MTV Thế hệ mới Phú Thọ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển chè Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (thị xã Phú Thọ). Việc xây dựng, triển khai và đăng ký thành công NHCN chè Phú Thọ giúp tỉnh ta có thêm một thương hiệu ngày càng lớn mạnh, mang giá trị kinh tế cao nằm trong chuỗi các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn tạo nên giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư hình thành các vùng nguyên liệu, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nét đẹp đồi chè, hương vị chè Phú Thọ là điều kiện để tỉnh phát triển một dạng đặc sắc của du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh về với cội nguồn dân tộc.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202011/xay-dung-nhan-hieu-che-phu-tho-tao-thuong-hieu-khang-dinh-vi-the-174133