Xây dựng 'pháo đài' của Đảng ở biên giới (bài 3)

Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn là vấn đề thách thức của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chủ trương đưa cán bộ, đảng viên BĐBP về tăng cường tại các xã biên giới để củng cố tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã đem lại nhiều kết quả trong hoạt động thực tiễn.

Bài 1: “Đỏ mắt” tìm cán bộ có trách nhiệm

Bài 2: Trục xuyên suốt lòng tin với dân

Bài 3: Gạt nước mắt ở lại với đồng bào

Câu chuyện về người chồng là cán bộ Biên phòng tăng cường xã và vợ là cô giáo tình nguyện lên non cao dạy chữ, phải dứt ruột để hai con thơ dại ở đồng bằng, “chia” bà ngoại giữ một đứa, bà nội giữ một đứa, để cùng nhau lên biên giới theo tiếng gọi của Đảng khiến ai nghe cũng thấy nao lòng. Anh chị mải mê lo việc của dân, đến nỗi, con đi cấp cứu bệnh viện cũng không có ba mẹ bên cạnh, bão dữ san phẳng ngôi nhà của mình, nhưng họ vẫn đang miệt mài ở biên giới để giúp dân.

Trung tá Nguyễn Xanh (bên trái) cùng lãnh đạo xã La Êê xuống thăm vườn cam Vinh của một gia đình trong xã. Ảnh: Hải Luận

Trung tá Nguyễn Xanh (bên trái) cùng lãnh đạo xã La Êê xuống thăm vườn cam Vinh của một gia đình trong xã. Ảnh: Hải Luận

Tôi ứa nước mắt khi nghe chuyện về Trung tá Nguyễn Xanh, người cán bộ Biên phòng tăng cường xã và vợ là cô giáo Lưu Thị Hồng tình nguyện lên dạy chữ ở xã biên giới La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. “Muốn về thăm con, anh phải đi bộ 2 ngày từ xã biên giới mới đến điểm trường của tôi dạy, cả hai vợ chồng cùng nhau đi bộ thêm nửa ngày mới ra đường có xe ô tô. Cha mẹ quấn quýt với con được 1 ngày, rồi phải gạt nước mắt xa con, chưa biết lúc nào về lại” - chị Hồng giãi bày.

Miệng nói một - tay làm mười

Trung tá Nguyễn Xanh (nay đã nghỉ hưu) được Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam điều động tăng cường giúp dân ở xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang từ rất sớm theo Chương trình 135.

Trung tá Xanh kể lại: “Việc vận động đồng bào biên giới làm kinh tế thì không thể “nói chay” được. Tôi đề xuất xã cho mượn đám đất để làm mô hình trình diễn làm lúa nước giống như dưới đồng bằng. Đám đất rất đẹp, rộng khoảng 3.000m2, ngặt một nỗi có nhiều cây tạp nằm giữa đám đất. Ngày đó không có máy cưa như bây giờ, phải khai hoang bằng rìu mất 1 tháng trời ròng rã mới có mặt bằng làm ruộng. Đối với đồng bào ở biên giới, miệng mình nói một, nhưng tay phải làm mười thì bà con mới nể, mới nghe theo”.

Coi như công việc khai hoang mấy sào ruộng lúa nước đã xong, bắt đầu xuống giống, vụ đầu tiên đạt năng suất gấp 2 – 3 lần so với lúa của bà con làm. Từ đó, cán bộ Xanh luồn rừng đi cả ngày đường vào từng thôn, ở lại để vận động bà con làm lúa nước theo năng suất cao. Từ hình ảnh bộ đội phá cây đa, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, nhiều người dân trong xã đã khai hoang, mở rộng thêm diện tích trồng lúa nước.

Chứng kiến tình cảnh người dân cứ nai lưng ra cuốc đất làm lúa, anh Xanh tham mưu cho Chủ tịch UBND xã La Dêê làm tờ trình xin huyện con trâu cày đất.

“Tôi ôm được tờ trình của xã, đi bộ 4 ngày mới về huyện, gặp anh trưởng phòng nông nghiệp trình bày. Anh nói, 3 ngày sau, tôi quay lại sẽ có tiền. Nếu đi vào lại xã mất 4 ngày đi đường, quay trở ra mất thêm 4 ngày nữa, vị chi 8 ngày. Tôi nhảy xe ôm về nhà thăm con, rồi quay lên đúng hẹn, huyện cấp cho 6 triệu đồng để mua trâu cày cho dân. Tôi phải quay ngược về nhà tìm trâu để mua, nhưng đi khắp huyện Đại Lộc, họ đều bán với giá từ 7-9 triệu đồng/con. Tôi lại mày mò qua huyện Duy Xuyên, gặp được ông chủ trâu, nài nỉ mãi, ông này cũng chịu bán cho con trâu với giá 6 triệu đồng” - Trung tá Xanh hớn hở kể lại câu chuyện.

Mua được con trâu, Trung tá Xanh dắt bộ gần 10 ngày mới tới xã La Dêê, tự tay chăm sóc hơn 15 ngày thì tìm được hộ chăn trâu là ông Pơ Lôông Dương, với lời nhắn nhủ: “Ông nuôi con trâu đi, rồi bắt nó cuốc đất cho mình”. Anh Xanh tiếp tục hành trình đi bộ cả tuần về đồng bằng mua cày, bừa, vác lên làm đất cho bà con.

Gần 20 ngày, anh Xanh và ông Pơ Lôông Dương hoạt động “bí mật”, hàng ngày, anh đi bộ 2 giờ để vào nhà ông Dương hướng dẫn cách chăm sóc trâu và cách cày bừa. Con trâu đã thuần cày bừa rồi, mình chỉ lắp cày vào là cày đất. Cả nhà ông Dương thấy “con trâu cuốc đất”, thì mừng lắm. Tôi báo với UBND xã La Dêê tổ chức buổi trình diễn cho con trâu cày đất, mời nhân dân đến xem” – Trung tá Xanh kể.

Sự kiện ra mắt “con trâu cuốc đất” tại trung tâm xã đã thu hút hàng trăm người dân trong xã đến xem. Trung tá Xanh biểu diễn trước vài đường cày, sau đó giới thiệu ông Pơ Lôông Dương thực hiện động tác cày điêu luyện, dân làng vỗ tay rần rần.

Trung tá Xanh hào hứng nói: “Khi tập cày, tôi nói ông Dương phải giữ bí mật cho dân làng bất ngờ. Việc ông Dương tự cày, bừa đất đã xóa tan tư tưởng ăn sâu trong suy nghĩ của đồng bào là những “việc khó” chỉ có cán bộ và đồng bào người Kinh làm được. Mô hình này sau đó được huyện Nam Giang phổ biến và nhân rộng ra các xã khác”.

Xứng đáng là “nông dân kiểu mẫu”

Sau đó, Trung tá Nguyễn Xanh được Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam điều động làm cán bộ tăng cường cho xã La Êê, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đường đi lại và sự phát triển của xã La Êê còn khó khăn gấp nhiều lần so với xã La Dêê. Với tấm lòng nhiệt huyết với công việc, miệng nói tay làm, người “nông dân kiểu mẫu” Nguyễn Xanh đã từng bước hướng dẫn, chấn chỉnh lề lối làm việc tại văn phòng Đảng ủy và UBND xã, đi xuống ruộng hướng dẫn bà con trồng lúa nước đúng cách...

Để chồng an tâm công tác, cô giáo Lưu Thị Hồng đã tình nguyện lên biên giới dạy học để cùng chồng bám trụ lâu dài ở biên cương xa xôi.

Vợ chồng Trung tá Nguyễn Xanh đang thường trú tại xã biên giới La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

Vợ chồng Trung tá Nguyễn Xanh đang thường trú tại xã biên giới La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hải Luận

Cô giáo Lưu Thị Hồng (công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã La Êê - Chơ Chun) tâm sự: “Lúc đó, từ trung tâm huyện vào xã biên giới phải đi bộ nhiều ngày. Ở trường chỉ có thầy giáo mới trụ nổi sự khổ cực, còn cô giáo chưa thuộc diện phải điều động lên biên giới. Khi tôi viết đơn xin lên xã La Êê công tác, cả Phòng Giáo dục huyện ai cũng bất ngờ. Cả trường trước nay chỉ toàn nam giới, nay có phụ nữ cũng làm “dịu” đi rất nhiều thứ và chăm chút vệ sinh, nề nếp cho học sinh nhiều hơn”.

Hai vợ chồng cán bộ Nguyễn Xanh “ổn định” ở trong ngôi nhà bằng nứa phía sau trường do bà con dựng lên đã lâu, giống như cái chòi thì đúng hơn. Vì hai con ở quê với ông bà nội ngoại, nên anh bộ đội là lãnh đạo xã và chị giáo viên suốt ngày bám dân, bám học sinh.

Cô giáo Hồng nói trong nước mắt: “Đêm tôi nằm nhớ con cứ khóc mãi. Có lần, con đi cấp cứu ở bệnh viện, người nhà nhắn lên, hai vợ chồng đi bộ về tới nhà, con đã nằm viện được 10 ngày và ra viện, chẳng làm được gì ngoài việc ôm con khóc. Rồi có lần, cơn bão lớn đổ bộ vào Đà Nẵng, bão tan, đường tắc, 12 ngày sau, hai vợ chồng mới về đến nhà. Nhìn thấy ngôi nhà bị san phẳng, tôi ngã gục xuống đất luôn. Ráng ở lại mấy ngày, dựng lại cái nhà nhỏ để hai con có chỗ ở với bà ngoại, rồi chúng tôi quay trở lại biên giới theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng luôn vọng lên từ sâu thẳm con tim, dù trong lòng mỗi chúng tôi luôn quặn thắt vì thương nhớ con”.

Bài 4: Nghị quyết trên mâm cơm

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-phao-dai-cua-dang-o-bien-gioi-bai-3-post431345.html