Xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay - Bài 4: Muốn 'gỡ khó' phải thực hiện các giải pháp đồng bộ

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những khu vực có đặc thù về văn hóa, tập quán và điều kiện kinh tế, xã hội khác biệt so với các khu vực khác. Do đó, công tác xây dựng và phát triển Đảng tại đây đã và đang gặp không ít những khó khăn, thách thức. Để nâng cao hiệu quả công tác này, cần có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

> Xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay - Bài 1: Nỗi lo về thiếu nguồn phát triển Đảng

>> Xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay - Bài 2: Hành trình 'gỡ khó' từng bước

>>> Xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay - Bài 3: Những mùa quả ngọt…

Để đồng bào DTTS hiểu đúng về Đảng

Từ thực tiễn ở một số địa phương như Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh… có thể rút ra những mô hình hiệu quả trong công tác xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những mô hình thành công có thể nhân rộng ra các địa phương khác, góp phần và công cuộc xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và phát triển Đảng trước hết, phải nâng cao nhận thức, giáo dục chính trị tư tưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm giáo dục cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới, kết quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian qua.

Thông qua các loại hình sinh hoạt, hội họp, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ở các thôn, bản nhận thức rõ phát triển đảng viên là một nội dung trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, các cơ sở tổ chức Đảng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để đồng bào hiểu đúng về Đảng, về những giá trị, quyền lợi khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tránh việc do thiếu hiểu biết mà nhiều người khi được giới thiệu vào Đảng đã từ chối. Đồng thời, cần phải có biện pháp phòng, chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Thực trạng hiện nay, một số vùng đồng bào DTTS vẫn là vùng "lõi nghèo của cả nước", kinh tế - xã hội chậm phát triển, một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống nhân dân vẫn còn tồn tại. Lợi dụng vấn đề còn khó khăn đó, các thế lực thù địch gia tăng tuyên truyền, kích động chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; chúng lợi dụng sự khác nhau về những phong tục, tập tục và nét sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc để nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác vận động quần chúng và công tác xây dựng các đoàn thể quần chúng. Các cấp ủy đảng, trực tiếp là các chi bộ, đảng bộ cơ sở giám sát việc thực hiện các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, thường xuyên nâng cao nhận thức về vấn đề này cho đội ngũ đảng viên, xây dựng nghị quyết riêng về công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, giao chỉ tiêu kết nạp đến từng đảng bộ, chi bộ, gắn trách nhiệm của cấp ủy viên, đảng viên trong việc phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên. Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, qua kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những tổ chức đảng, đảng viên làm sai quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên; đồng thời, biểu dương, nhân rộng cá nhân, tổ chức đảng làm tốt công tác này

Mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực học tập để nâng cao trình độ bổ sung kiến thức, trong đó cần nâng cao nhận thức về vấn đề dân tộc, làm cơ sở cho việc tuyên truyền chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Các cấp ủy đảng cần tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể quần chúng; có chủ trương xây dựng và củng cố cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh ở các vùng dân tộc thiếu số; nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào, thông qua hoạt động để tập hợp, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên ở các thôn, bản tham gia. Đặc biệt, chú trọng xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên vững mạnh ở các thôn, bản và có thể coi đây là một trong những kênh tạo nguồn quan trọng nhất để “nạp nguồn” đảng viên.

Đồng chí Lỷ A Chặng - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Lục Chắn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) trực tiếp cùng người dân tham gia sửa chữa đường trong thôn bản. Ảnh: Duy Đại

Đồng chí Lỷ A Chặng - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Lục Chắn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) trực tiếp cùng người dân tham gia sửa chữa đường trong thôn bản. Ảnh: Duy Đại

Tiếp đó, cần cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số. Những điều kiện, tiêu chuẩn này được quy định trong Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28-9-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do trình độ học vấn còn thấp, nhận thức còn hạn chế, do đó, việc xác định đúng các điều kiện, tiêu chuẩn là rất quan trọng và cần thiết nhằm tăng cường công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số, bảo đảm số lượng phải đi đôi với chất lượng. Đồng thời, điều kiện, tiêu chuẩn là căn cứ để các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt các nội dung trong công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với thực tiễn địa phương, trong từng giai đoạn cụ thể.

Người có uy tín trong đồng bào DTTS: “Cầu nối” hiệu quả

Thứ nhất, cần phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS là một giải pháp quan trọng. Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, có người là già làng, trưởng bản, có người là cán bộ, trí thức;… Những người này luôn có vị trí, vai trò quan trọng đối với gia đình, dòng họ, dòng tộc, cộng đồng dân cư và có sức ảnh đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có thể giúp truyền tải thông điệp của Đảng đến với quần chúng. Các cấp ủy đảng cần tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, từ đó góp phần xây dựng niềm tin và củng cố sự đồng thuận trong cộng đồng.

Trong những năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò tiên phong, gương mẫu, người có uy tín thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số noi theo, làm theo, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương

Bên cạnh đó cần lắng nghe ý kiến của những người có uy tín để chọn ra được những quần chúng ưu tú, đồng thời tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhận xét đánh giá của các già làng, trưởng thôn, bản làng. Không ai khác chính họ là người có khả năng nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm của quần chúng ưu tú, tích cực. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chi bộ có thêm cơ sở để xem xét, quyết định.

Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tạo điều kiện để Đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở các địa phương nên linh hoạt thời gian, tạo điều kiện để đảng viên đi làm xa và có điều kiện tham dự sinh hoạt chi bộ đầy đủ. Hoặc đảng viên làm ăn ở xa, không có điều kiện tham gia sinh hoạt chi bộ theo quy định, thì chi bộ hướng dẫn đảng viên làm đơn nêu rõ lý do và thời gian xin miễn sinh hoạt đảng theo hướng dẫn của Đảng, đảm bảo thủ tục, quy trình, như vậy công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa sẽ vẫn được đảm bảo.

Đối với một số nơi có điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì có thể áp dụng điểm sinh hoạt đảng trực tuyến theo quy định và hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng cũng cần thực hiện tốt việc theo dõi, nắm chắc diễn biến tư tưởng gắn với tăng cường tuyên truyền giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, giữ mối liên hệ thường xuyên với đảng viên đi làm ăn xa. Trước những buổi sinh hoạt đảng, chi bộ chủ động liên lạc, thông tin, phổ biến nội dung quan trọng để đảng viên được biết và nắm được.

Cuối cùng, thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với vùng đồng bào DTTS. Các địa phương cần vận dụng các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước như Chương trình 3 mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho đảng viên trẻ người địa phương có điều kiện làm ăn và khởi nghiệp ngay tại quê hương. Việc phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa là cơ sở để bồi dưỡng, phát triển được đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, để lãnh đạo nhân dân tạo lập cuộc sống mới. Nâng cao đời sống vật chất, nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào là điều kiện thuận để có nguồn xem xét, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên; có chế độ đãi ngộ, ưu tiên cho cán bộ, đảng viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc để người dân tin và phấn đấu vào Đảng.

 Mô hình nuôi lợn đen của gia đình đồng chí Thào Seo Mùa - Phó Bí thư chi bộ thôn Suôi Thầu (thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, Hà Giang)

Mô hình nuôi lợn đen của gia đình đồng chí Thào Seo Mùa - Phó Bí thư chi bộ thôn Suôi Thầu (thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, Hà Giang)

Từ thực tiễn các địa phương, có thể thấy rằng công tác xây dựng, phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần sự kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò của cộng đồng, đào tạo cán bộ, phát triển kinh tế và xây dựng mô hình điểm. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp này, chúng mới có thể tạo dựng được niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào vùng DTTS, góp phần vào công tác xây dựng, phát triển đảng tại vùng DTTS.

Mỵ Châu - Trần Đức Anh - Duy Đại

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xay-dung-phat-trien-dang-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-hien-nay-bai-4-muon-go-kho-phai-thuc-hien-cac-giai-phap-dong-bo-post530135.html