Xây dựng quan hệ hợp tác, bền vững giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ

Sáng 24/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ.

Tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Chủ tịch phân ban Việt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh.

Về phía các đại biểu quốc tế có: Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo; Bộ trưởng Thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ Gabon Ives Fernand Mamfoumbi; Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực Gabon Charles Mve Ella; Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Quyền Chủ tịch Nhóm Đại sứ Pháp ngữ Nicolas Warnery.

Tham dự Diễn đàn còn có lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam; các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam; các Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức Pháp ngữ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và các tổ chức, doanh nghiệp của hơn 20 nước Pháp ngữ tham gia đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại Pháp ngữ thăm Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là một Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng. Với 88 quốc gia và chính quyền thành viên, hiện diện ở khắp các châu lục trên thế giới, có 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại thế giới, không gian kinh tế Pháp ngữ có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế rất to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả thành viên đang nỗ lực hết mình để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và các đối tác quốc tế đã phối hợp tổ chức Diễn đàn quan trọng này. Những nội dung tập trung trao đổi về nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, có nhu cầu thúc đẩy, cũng như ưu tiên cao trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng mong muốn qua các trao đổi, thảo luận và tiếp xúc tại Diễn đàn cấp cao lần này, các doanh nghiệp Pháp ngữ cùng các doanh nghiệp Việt Nam chắt chiu từng cơ hội để xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, bền vững, cùng phát triển, trong các lĩnh vực được trao đổi tại diễn đàn, cũng như tạo tiền đề cho các hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam thông tin đầy đủ cho các đại biểu về chủ trương, chính sách, pháp luật, ưu tiên, nhu cầu của Việt Nam và giới thiệu môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam trong các lĩnh vực được trao đổi tại diễn đàn. Cùng với đó, các bộ, ngành chia sẻ các thực tiễn triển khai về thương mại và đầu tư, các thế mạnh, tiềm năng, cơ hội hợp tác của Việt Nam cũng như các thách thức đặt ra và trao đổi về các biện pháp giải quyết các thách thức đó...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác trong không gian kinh tế Pháp ngữ rất to lớn song chưa được phát huy hết, còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ, kết nối các doanh nghiệp của các nước Pháp ngữ.

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp các ban, bộ, ngành liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp từ các nước Pháp ngữ, tìm hiểu cơ hội, thiết lập các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có các nước Pháp ngữ.

Bày tỏ vui mừng khi dẫn đầu đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ thăm, tiềm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo cho biết, OIF đã xác định hợp tác cùng với Chính phủ Việt Nam trên ba lĩnh vực chủ chốt giúp tạo ra những doanh nghiệp hợp tác hoạt động trong việc tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, lĩnh vực thứ nhất là nông, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm; thứ hai là đổi mới sáng tạo năng lượng tái tạo và thứ ba là chuyển đổi số.

“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ba lĩnh vực ưu tiên này và để làm như vậy, nhiệm vụ của tất cả chúng ta là vượt qua những thách thức, khó khăn để tạo ra những thỏa thuận hợp tác doanh nghiệp các nước với nhau trong khuôn khổ Pháp ngữ, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác của Cộng đồng Pháp ngữ”, Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo nhấn mạnh.

 Lễ trao các Thỏa thuận hợp tác.

Lễ trao các Thỏa thuận hợp tác.

Nhân dịp này, lễ trao các thỏa thuận hợp tác đã ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Tổng Thư ký Pháp ngữ.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham gia các phiên thảo luận chuyên đề về thúc đẩy quan hệ đối tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Pháp ngữ, hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng bền vững tại Việt Nam và trong Cộng đồng Pháp ngữ, hợp tác kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam và trong Cộng đồng Pháp ngữ; phiên gặp gỡ giao thương giữa các doanh nghiệp (B2B).

Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ tại Hà Nội diễn ra từ 24-25/3, nhằm giới thiệu các định hướng chiến lược, cơ hội kinh doanh, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam… góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa doanh nghiệp Cộng đồng Pháp ngữ với các đối tác của Việt Nam.

Theo chương trình, ngày 25/3, đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại Pháp ngữ sẽ đi thăm các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp-công nghiệp thực phẩm, năng lượng tái tạo, hàng hóa và kỹ thuật số.

N.H

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/xay-dung-quan-he-hop-tac-ben-vung-giua-viet-nam-va-cong-dong-phap-ngu-690431/