Xây dựng số 1 (CC1): Dòng tiền âm vẫn quyết tâm xóa sạch nợ trái phiếu
Kể từ đầu năm tới nay, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) nằm trong liên danh trúng thầu không ít dự án lớn. Tuy nhiên, xét tới yếu tố năng lực tài chính, diễn biến tại CC1 có nhiều điều đáng bàn.
Dòng tiền âm, vay nợ lớn
Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong 7 tháng đầu năm 2023, CC1 tham gia 4 liên danh trúng thầu 4 dự án có tổng giá trị các gói thầu là 13.581 tỷ đồng. Cụ thể, dự án Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong có tổng giá trị gói thầu 4.440 tỷ đồng, dự án Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang là 7.555 tỷ đồng, dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột là 1.467 tỷ đồng và dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa là 119 tỷ đồng.
Các tháng tiếp theo, CC1 tiếp tục nằm trong liên danh trúng thầu các dự án đầu tư công quy mô lớn, bao gồm gói thầu thuộc dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trị giá 9.034 tỷ đồng; gói thầu thi công xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 24/8, CC1 thuộc liên danh Vietur được lựa chọn thực hiện gói thầu 5.0 xây dựng Sân bay Long Thành trị giá 35.200 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh âm khiến CC1 phải tăng vay nợ, nhưng dự kiến đến cuối năm nay sẽ mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đã phát hành.
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, các gói thầu trọng điểm quốc gia gồm Sân bay Long Thành, Sân bay Tân Sơn Nhất và Cao tốc Bắc - Nam đều có sự tham gia của CC1.
Tiêu chí lựa chọn các nhà thầu dựa trên nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là năng lực tài chính, kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật. Xét tới yếu tố năng lực tài chính, CC1 đang có khá nhiều nút thắt cần cởi bỏ.
Năm 2023, CC1 đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.761 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 231 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, doanh nghiệp mới thực hiện được 28% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận, khi ghi nhận doanh thu 3.052,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 37,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 24,2% và 19,7% so với cùng kỳ.
Tính tới 30/9/2023, CC1 có tổng tài sản 14.513 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn trị giá 6.690 tỷ đồng, chiếm 46%; tiền và các khoản tương đương tiền là 967,8 tỷ đồng, giảm 41% so với đầu năm và chỉ chiếm 6,6% tổng tài sản.
Về cơ cấu nguồn vốn, tính tới cuối tháng 9/2023, CC1 ghi nhận 10.744 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 74%. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng lên mức 2,8 lần, trong bối cảnh quy mô tài sản giảm, nguồn vốn chủ yếu hình thành từ nợ phải trả.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 của CC1 âm 929,9 tỷ đồng (cùng kỳ âm 1.781,7 tỷ đồng), thể hiện doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu tiền bán hàng và cung cấp dịch vụ, khiến chi phí sử dụng vốn tăng.
Thực tế, thâm hụt dòng tiền khiến CC1 phải vay nợ lớn. Tính tới cuối tháng 9/2023, Công ty có 6.769,9 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, phần lớn là các khoản vay ngân hàng và trái phiếu. Chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm là 266,5 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Dự kiến mua lại 2.650 tỷ đồng trái phiếu
Trong những tháng cuối năm 2023, CC1 dự kiến mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu của doanh nghiệp đang lưu hành trên thị trường là 3 lô trái phiếu có mã CC1H2124001, CC1H2124002 và CC1H2124003, tổng giá trị 2.650 tỷ đồng.
Theo CC1, khi hoàn tất mua lại 3 lô trái phiếu trên, doanh nghiệp sẽ sạch nợ trái phiếu, đồng thời góp phần giảm tổng dư nợ hiện tại đến 45%.
Hai lô trái phiếu mã CC1H2124001 và CC1H2124002 có giá trị phát hành lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, đều có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 10%/năm, đáo hạn vào tháng 10/2024. Nguồn vốn trái phiếu được dùng để đầu tư dự án Điện gió Hàm Kiệm 2 (400 tỷ đồng), dự án Chung cư lô số 2 - giai đoạn 1 - KDC Hạnh phúc (600 tỷ đồng), tổng thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (550 tỷ đồng), thi công xây lắp tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9 km qua địa bàn tỉnh Thái Bình (250 tỷ đồng).
Tài sản đảm bảo của 2 lô trái phiếu là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Cao ốc Sailing Tower của CC1 có giá trị 3.650,4 tỷ đồng (định giá bởi Công ty TNHH Thẩm định giá Valid). Một phần tài sản bảo đảm (tối đa 14%) được dùng để bảo đảm cho khoản vay tối đa 350 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Nam Á. Tổ chức tư vấn/đại lý phát hành trái phiếu là Công ty Chứng khoán Bảo Minh, tổ chức nhận và quản lý tài sản bảo đảm là Ngân hàng TMCP Nam Á - chi nhánh Hàm Nghi.
Còn lô trái phiếu mã CC1H2124003 có giá trị 850 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, ngày đáo hạn 10/12/2024, mục đích phát hành không được công bố.
Hiện tại, các dự án sử dụng vốn trái phiếu kể trên vẫn chưa hoàn thành. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cuối quý III/2023 của CC1 bao gồm dự án Khu dân cư Hạnh phúc 589,5 tỷ đồng, dự án Tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình - PPP 1.840,9 tỷ đồng, dự án Điện gió Hàm Kiệm - Bình Thuận 88,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự án Đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, sau gần 6 năm thi công, qua 2 lần gia hạn thời gian về đích, đến nay vẫn không đảm bảo tiến độ. Trong khi đó, nhà thầu kêu lỗ, thi công cầm chừng, chờ Chính phủ “giải cứu”.
Trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh không dư dả, cần nguồn vốn cho các gói thầu quy mô lớn mới trúng, việc CC1 dự kiến mua lại toàn bộ 2.650 tỷ đồng trái phiếu trước hạn là một tham vọng rất lớn.
Về vấn đề này, thông báo của CC1 cho biết: “Nguồn mua lại trái phiếu trước hạn: Các nguồn tiền hợp pháp của Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP”.
Một diễn biến đáng chú ý khác là ngày 27/10/2023, Tòa án Nhân dân Hà Nội đưa ra phán quyết với vụ án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2) gây thiệt hại 460 tỷ đồng. Dự án do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Tòa án cho rằng, quá trình tổ chức thi công, các đơn vị liên quan đều không tuân thủ quy định xây dựng, giám sát công trình dẫn đến chất lượng không đảm bảo.
Theo đó, Tòa án tuyên buộc 5 nhà thầu liên quan phải bồi thường 460 tỷ đồng: CC1 phải bồi thường hơn 47 tỷ đồng, Tập đoàn Sơn Đông (Trung Quốc) là 129 tỷ đồng, Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc) là 85 tỷ đồng, Lotte E&C (Hàn Quốc) là 127 tỷ đồng, Posco là 71 tỷ đồng.