Xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020

Thương mại tự do và đa phương đóng vai trò không thể thiếu đối với nỗ lực hồi phục, tái thiết kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 của các thành viên APEC

Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến trong ngày 20-11 với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Trong vai trò chủ nhà, Malaysia chọn chủ đề của năm APEC 2020 là "Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường và thịnh vượng chung", tập trung vào 3 ưu tiên: xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020; cải thiện thương mại và đầu tư; bao trùm, kinh tế số và bền vững sáng tạo.

Tại hội nghị trên, theo báo The Straits Times (Singapore), các nhà lãnh đạo APEC sẽ tập trung thảo luận những phương thức nhằm duy trì dòng chảy thương mại và đầu tư trước mối đe dọa nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên thế giới. Nhiều nền kinh tế vẫn đang nỗ lực phục hồi sau khi dịch bệnh này dẫn đến các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại để ngăn virus SARS-CoV-2 thêm lây lan, từ đó khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa và người lao động mất việc…

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin phát biểu khai mạc Đối thoại Lãnh đạo doanh nghiệp APEC

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin phát biểu khai mạc Đối thoại Lãnh đạo doanh nghiệp APEC

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến từ Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng, chia sẻ đánh giá về tình hình thế giới và khu vực, những vấn đề đặt ra đối với hợp tác đa phương và đề xuất định hướng hợp tác APEC trong giai đoạn phát triển mới.

Ngoài ra, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump dự kiến đại diện nền kinh tế hàng đầu thế giới tham dự hội nghị. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump dự Hội nghị Cấp cao APEC kể từ năm 2017.

Trước thềm hội nghị trên, một số nhà lãnh đạo APEC đã kêu gọi thúc đẩy hơn nữa thương mại tự do và rộng mở để hỗ trợ nền kinh tế khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung vượt qua cú sốc trên. Phát biểu khai mạc Đối thoại Lãnh đạo doanh nghiệp APEC theo hình thức trực tuyến ngày 19-11, Thủ tướng Muhyiddin Yassin nhận định thương mại tự do và đa phương đóng vai trò không thể thiếu đối với nỗ lực hồi phục, tái thiết kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.

"Ưu tiên quan trọng nhất là tái khẳng định sự ủng hộ và cam kết của chúng ta đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc" - ông Yassin khẳng định. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Malaysia kêu gọi APEC tăng cường thúc đẩy kinh tế số, tăng trưởng kinh tế bao trùm và hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên, ông Yassin cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm cân bằng giữa những ưu tiên sức khỏe và nhu cầu kinh tế.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời khẳng định toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành "xu hướng không thể đảo ngược". Theo Reuters, nhà lãnh đạo này cũng khẳng định sẽ không có chuyện Trung Quốc chia tách khỏi Mỹ và các đối tác thương mại khác, ngay cả khi giữa Bắc Kinh và Washington, châu Âu đang căng thẳng về chuyện công nghệ và bảo mật. Không dừng lại ở đó, ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước hơn, tiếp tục giảm thuế nhập khẩu và tăng cường mua hàng hóa nước ngoài.

Những phát biểu trên được đưa ra không lâu sau khi 10 nước ASEAN cùng 5 quốc gia Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định RCEP là bước đi lớn đối với sự hội nhập kinh tế châu Á trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi chính sách thương mại hướng nội. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã thực thi các chính sách bảo hộ thương mại, trong đó có việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/xay-dung-tam-nhin-apec-sau-nam-2020-20201119224030375.htm