Xây dựng Thái Bình thành trung tâm y tế chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Hồng

Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ để đổi mới và phát triển, thời gian qua các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã nỗ lực đầu tư để triển khai các kỹ thuật theo phân tuyến.

Bệnh nhân tập phục hồi bằng máy tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Bệnh nhân tập phục hồi bằng máy tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng xây dựng mạng lưới cơ sở y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa giữa khám, chữa bệnh với y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; hướng tới đưa Thái Bình trở thành trung tâm y tế chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát huy những thế mạnh hiện có, tỉnh đang dành nhiều nguồn lực để biến mục tiêu thành hiện thực.

Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh

Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ để đổi mới và phát triển, thời gian qua các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã nỗ lực đầu tư để triển khai các kỹ thuật theo phân tuyến; trung bình thực hiện 30 kỹ thuật mới/bệnh viện.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, riêng năm 2023 nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu tuyến Trung ương đã được triển khai tại các bệnh viện trong tỉnh và được duy trì thường quy như: Phẫu thuật tim hở (vá thông liên thất, thông liên nhĩ), phẫu thuật tim kín (thắt ống động mạch), phẫu thuật máu tụ nội sọ, phẫu thuật điều trị khe hở môi vòm miệng, can thiệp tim mạch (bít thông liên nhĩ, ống động mạch); duy trì hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), đào tạo trực tuyến giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới...

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 32 bệnh viện, trong đó có 21 bệnh viện công lập, 9 bệnh viện tư nhân và 2 bệnh viện thuộc Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Cao đẳng Y tế Thái Bình.

Ngoài ra, tỉnh có gần 700 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân; 15 đơn vị hệ dự phòng và trung tâm chuyên khoa, 260 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tổng số giường bệnh là 7.867 giường, đạt 40,3 giường bệnh/10.000 dân; trong đó số giường bệnh tư nhân là 1.026 giường, chiếm 13% giường bệnh toàn tỉnh; vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết 20-NQ/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” (đến năm 2025 đạt tỷ lệ 30 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%).

 Bác sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Bác sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Chất lượng điều trị ngày càng được nâng cao, tỷ lệ điều trị khỏi và đỡ đạt trên 90%; số ngày điều trị trung bình được rút ngắn.

Hệ thống khám, chữa bệnh ở tất cả tuyến tiếp tục được củng cố, đầu tư nâng cấp cả về tổ chức, nhân lực, kỹ thuật chuyên môn; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tăng đầu tư cho dịch vụ y tế

Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, tuy nhiên với xu thế hiện đại và nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao, đòi hỏi ngành y tế Thái Bình phải đổi mới mạnh mẽ, tăng cường đầu tư cho các dịch vụ y tế.

Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, theo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, số lượng thông số để giám sát chất lượng nước sạch là 52 thông số, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 99 thông số.

Tuy nhiên, do thiếu các trang thiết bị hiện đại nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mới chỉ xét nghiệm được 32 thông số. Để thực hiện ngoại kiểm đầy đủ các thông số chất lượng nước theo quy định, hằng năm, Trung tâm phải thuê các đơn vị khác ở ngoài tỉnh có đủ năng lực để cung cấp, tốn kém về kinh phí, thời gian, đồng thời không xử lý kịp thời trong trường hợp có những sự cố bất thường về chất lượng nước.

Ngoài ra, việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến tại các đơn vị khám, chữa bệnh tuy có phát triển hằng năm nhưng tỷ lệ danh mục thực hiện được còn hạn chế. Hầu hết các đơn vị mới chỉ thực hiện được dưới 80% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến.

Việc phát triển các kỹ thuật cao của các bệnh viện tuyến tỉnh cũng còn rất khiêm tốn, tỷ lệ các kỹ thuật loại đặc biệt, các danh mục kỹ thuật tuyến Trung ương thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh còn thấp (dưới 20%).

 Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng (Thái Bình) thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng (Thái Bình) thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Theo ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tỉnh đã thông qua Đề án “Phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2024-2028.” Trong đó, Sở triển khai trọng tâm 88 kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác dự phòng bệnh tật; 71 kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ khám, chữa bệnh với nhiều kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến đối tượng là trẻ em và các chuyên ngành ngoại, phẫu thuật nội soi, mắt, hỗ trợ sinh sản...

Việc triển khai kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu có ý nghĩa quan trọng giúp địa phương dự phòng sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, khám phát hiện và điều trị tích cực, hiệu quả các bệnh lý khó, nguy hiểm ngay tại tuyến tỉnh; giảm quá tải cho hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh cũng như giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Người dân địa phương được thụ hưởng các dịch vụ y tế dự phòng, khám, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại tỉnh, tiết kiệm được thời gian cũng như kinh phí trong khám, chữa bệnh. Đây cũng là giải pháp trọng tâm của ngành y tế Thái Bình nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu của các cơ sở y tế trong tỉnh, từ đó tiếp tục thu hút thêm nhiều người dân tỉnh ngoài đến khám, chữa bệnh tại Thái Bình.

Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng lộ trình đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị, đáp ứng mở rộng quy mô khám, chữa bệnh cho 3 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Mắt từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương. Ước tính tổng kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2024-2028 là 1.000 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, xây dựng và phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoàn chỉnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đến năm 2050, tỉnh đầu tư mở rộng, phát triển cơ sở hạ tầng y tế đạt các tiêu chuẩn xây dựng quốc gia và tiếp cận các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đầu tư mới các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; thành lập mới Bệnh viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Thận, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình... tiếp tục nâng cấp, phát triển các cơ sở y tế tại khu Trung tâm Y tế tỉnh đặc biệt là phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên hạng đặc biệt tại cơ sở mới. Đồng thời, tỉnh khuyến khích, ưu đãi đầu tư, đảm bảo mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 bệnh viện đa khoa tư nhân và thành lập mới các bệnh viện chuyên khoa tư nhân; phấn đấu đến năm 2050, toàn tỉnh đạt 50-55 giường bệnh/10.000 dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/xay-dung-thai-binh-thanh-trung-tam-y-te-chat-luong-cao-vung-dong-bang-song-hong-post983526.vnp