Xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại phải gắn với hồn cốt kinh đô 1.000 năm tuổi

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng việc xây dựng Thủ đô Hà Nội thành đô thị hiện đại phải giữ được bản sắc của một kinh đô hơn 1.000 năm tuổi.

Nhân dịp 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã chia sẻ trên báo Pháp Luật TP.HCM nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về quy hoạch, phát triển đô thị Hà Nội trong chặng đường mới.

Tư tưởng kiến thiết Thủ đô Hà Nội

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, cho hay kể từ khi cùng Trung ương Đảng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội (ngày 10-10-1954) cho đến lúc mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động mang tính chất đặt nền tảng, định hướng cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, Bác luôn nhấn mạnh mục tiêu là phải xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất lẫn tinh thần.

 GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

Việc quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội phải đi trước, tính trước, tránh làm đi, làm lại, tốn kém, lãng phí và phải học tập kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, phải phù hợp với quy luật tự nhiên, hài hòa các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Thiết kế đô thị phải đồng bộ, hợp lý, chú trọng hệ thống đường giao thông, hệ thống cây xanh, mạng lưới điện, hệ thống cấp thoát nước.

Tất cả hoạt động trên phải bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường, thuận lợi cho phát triển kinh tế; đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai và nhất là phải thuận tiện cho người dân.

“Xây dựng một Hà Nội hiện đại nhưng phải giữ được bản sắc riêng của một thủ đô hơn nghìn năm tuổi. Việc xây dựng phải bảo đảm sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của sông, hồ, đồi, rừng; phù hợp với các nhu cầu làm việc, sản xuất, kinh doanh của nhân dân, các hoạt động đối nội, đối ngoại quốc gia; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, chất lượng xây dựng phải tăng cường được sức chống chịu, thích ứng trước tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan” - GS.TS Phùng Hữu Phú nêu quan điểm.

 Tái hiện hình ảnh Thị trưởng đầu tiên của TP Hà Nội Trần Duy Hưng dẫn đầu đoàn quân vào tiếp quản thủ đô, trong sự chào đón hân hoan của người dân Hà Nội trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra bên hồ Hoàn Kiếm vào ngày 6-10.

Tái hiện hình ảnh Thị trưởng đầu tiên của TP Hà Nội Trần Duy Hưng dẫn đầu đoàn quân vào tiếp quản thủ đô, trong sự chào đón hân hoan của người dân Hà Nội trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra bên hồ Hoàn Kiếm vào ngày 6-10.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng cho hay 70 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội đã phấn đấu, lao động và sáng tạo không mệt mỏi, giành được những thành tựu to lớn, trong đó có vấn đề quy hoạch phát triển đô thị.

“Trong quá trình này, Hà Nội đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đây chính là tiền đề vững chắc để Hà Nội phát triển bứt phá, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - GS.TS Phú nói.

Thách thức giữa bảo tồn và phát triển

Cũng nhìn lại 70 năm đô thị hóa, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, cho biết Hà Nội thời Pháp thuộc là một thành phố tiêu thụ, công nghiệp nhỏ bé không đáng kể; hạ tầng xã hội, các công trình dịch vụ văn hóa nghèo nàn chỉ đáp ứng được cho lớp người giàu và giai cấp thống trị. Đến nay, Hà Nội đã có diện mạo hoàn toàn mới.

“70 năm qua, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008 và 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt. Trong đó, đáng chú ý nhất là lần mở rộng địa giới hành chính năm 2008: Hà Tây nhập vào Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị lớn nhất nước và là 1 trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Trong suốt chặng đường đô thị hóa đó, thách thức không nhỏ đối với Thủ đô Hà Nội là xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển” - ông Nghiêm nhận xét.

Từ Đại La, Thăng Long đến Hà Nội, thủ đô đã trải qua ngàn năm văn hiến. Vậy nên quá trình phát triển luôn phải tìm hiểu, nhận diện được những giá trị trường tồn để bảo vệ.

 Tái hiện hình ảnh lớp lớp đoàn quân giải phóng từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô, trong sự chào đón hân hoan của người dân Hà Nội trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, diễn ra bên hồ Hoàn Kiếm vào ngày 6-10.

Tái hiện hình ảnh lớp lớp đoàn quân giải phóng từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô, trong sự chào đón hân hoan của người dân Hà Nội trong “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, diễn ra bên hồ Hoàn Kiếm vào ngày 6-10.

Yêu cầu này cần tiếp tục được đặt ra một cách nghiêm túc khi Hà Nội đang phải hoàn thành hai đồ án quy hoạch: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Hai đồ án quy hoạch lớn này không chỉ là tầm nhìn tương lai, mà còn mở ra các cơ hội phát triển mới cho thành phố. Nhưng đồng thời đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử, hay giải quyết dứt điểm các khu chung cư, nhà tập thể cũ dù đã có lộ trình nhưng đến nay còn nhiều khó khăn.

“Hai đồ án quy hoạch nêu trên đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, khoa học, được sự tham gia đóng góp của Chính phủ, các Bộ, ngành, nhân dân Thủ đô và cả nước. Được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua và đang hoàn thiện để phê duyệt. Cùng với các chính sách đặc thù của Luật Thủ đô, tôi tin rằng các quy hoạch này sẽ góp phần đưa những mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030 sớm trở thành hiện thực” – ông Nghiêm nói.

Hướng nhìn mới cho quy hoạch Hà Nội

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam thực trạng phát triển Thủ đô cho thấy Hà Nội chưa khai thác được nguồn lực di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để phát triển. Việc triển khai các đô thị vệ tinh còn chậm. Giao thông và logistics còn yếu kém…

Thực tế này đặt ra cho thành phố cũng như các bộ, ngành Trung ương liên quan bài toán xây dựng các kịch bản để điều chỉnh phân bố dân số theo hướng giảm dân số trong nội đô lịch sử, xây dựng các đô vệ tinh thành nơi đáng sống. Cùng với đó là phải kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, bằng cách giữ các kiến trúc đặc trưng, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực.

 KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Đối với năm đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, ông Chính đề nghị cần rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Cần kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011.

Cùng với đó là từng bước tiếp cận mô hình thành phố trong thành phố ở phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn) với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô. Nghiên cứu đô thị vệ tinh Phú Xuyên kết hợp sân bay phía Nam, để có thể trở thành thành phố phía Nam.

Hai đồ án quy hoạch đang hoàn thiện cũng phải làm rõ được lợi thế của Hà Nội là hạt nhân của đồng bằng sông Hồng, là trung tâm Vùng thủ đô, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia và là trung tâm văn hóa, lịch sử, phát triển khoa học công nghệ. “Sự phát triển của Hà Nội cần đặt trong mối liên kết vùng, liên kết với khu vực và quốc tế” – ông Chính nhấn mạnh.

Trong tầm nhìn này, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị xác định rõ sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm. Trục Hồ Tây - Ba Vì là trục văn hóa. Khai thác đất bãi, ngoài đê và bãi giữa sông Hồng ưu tiên cho mục đích cho dịch vụ du lịch, công viên giải trí. Khai thác cảnh quan cây xanh, mặt nước của hệ thống các con sông nhỏ như sông Đuống, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích và sông Cà Lồ… để phát triển một Thủ đô xanh và bền vững.

“Đặc biệt, cần thúc đẩy phát triển hệ thống đường sắt đô thị metro và đường sắt kết nối với các đô thị trong vùng, kết nối với giao thông công cộng tạo nên hệ thống giao thông công cộng TOD kết nối về thương mại, dịch vụ vừa tiết kiệm đất vừa tạo được không gian điểm nhấn đô thị và phục vụ tốt nhất cho người dân” – ông Chính nói.

Đối với khu vực nông thôn, ông Chính cũng lưu ý phải phát triển theo chương trình nông thôn mới và định hướng quy hoạch chung. Cần gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống. Đồng thời hình thành các cụm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế, phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuỗi dịch vụ phục vụ đô thị.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho hay qua 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn để trở thành một thủ đô “Văn hiến – Văn Minh – Hiện đại”…
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này trên, Hà Nội cần phải khai hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một gia tăng.

“TP phải giải quyết được căn bản ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước. Xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ. Xử lý nước thải, làm sống lại các dòng sông, khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, ao hồ để tạo cảnh quan môi trường đặc sắc của Thủ đô với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch” – bà Hoài nêu
Cùng với đó, Hà Nội phải phát triển các hành lang xanh, xanh hóa khu vực nội đô. Chú trọng kiểm soát, thay thế để giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.

Về phát triển đô thị nông thôn, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ: “TP hoàn thiện hệ giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ và nội đô”.
Tập trung bảo tồn phố cổ, cải tạo phố cũ, chung cư cũ, nhà ở không đảm bảo tiêu chuẩn; Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, hạ tầng và dịch vụ đồng bộ; Phát triển khu vực nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cảnh quan kiến trúc giàu bản sắc…
Về phát triển kinh tế, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hà Nội sẽ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2030. Mở rộng, hiện đại hóa nâng cao chất lượng ngành dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ; phát triển dịch vụ logistics, xây dựng các trung tâm phân phối để trở thành trung tâm đầu mối trung chuyển đa phương tiện, kết nối liên vùng và quốc tế; Hiện đại hóa ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng để Hà Nội là trung tâm tài chính quốc gia, định hướng mang tầm quốc tế; Phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô - Thành phố toàn cầu.
Về phát triển văn hóa, xã hội, bà Hoài cho biết Hà Nội sẽ hình thành các không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, bảo đảm điều kiện tiếp cận giáo dục thuận lợi, phù hợp theo độ tuổi với chất lượng giáo dục hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo công dân toàn cầu. Tập trung đầu tư để phát triển hệ thống y tế; đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc và các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn.

“Thành phố sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia bậc cao, những nhà phát minh, sáng chế trong nước và trên thế giới đến sinh sống, làm việc tại Hà Nội” – Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ.

Nhiều thách thức

Nhìn lại chặng đường xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội từ khi mở rộng địa giới hành chính (tháng 8-2008) đến nay, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá: “Quyết định mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là một quyết định đúng đắn và có tầm nhìn đối với yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội lúc đó”.

Ông Nghị phân tích, Hà Nội trước khi mở rộng có diện tích rất chật hẹp, chỉ có 94 km2, dân số hơn 4 triệu người, không đủ không gian để xây triển khai các nhiệm vụ xây dựng, phát triển một Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

“Cho nên quyết định ấy là hết sức cần thiết và rất kịp thời. Nếu muộn hơn nữa nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng và hợp tác quốc tế của Thủ đô nói riêng và của đất nước nói chung” – ông Nghị nói.

Ông dẫn chứng để củng cố thêm cho nhận định trên là 10 năm qua, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn nhưng Hà Nội luôn đạt tốc độ phát triển cao, luôn thuộc tốp các địa phương dẫn đầu của cả nước. Quy mô kinh tế của Hà Nội chỉ đứng sau TP.HCM, cho nên những đóng góp của Hà Nội chỉ tính riêng về mặt kinh tế thôi là rất đáng kể. Góp phần đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh và đạt được rất nhiều thành tựu trong thời gian qua.

“Mặc dù Hà Nội đạt được những thành tựu đáng phấn khởi, nhưng mà nếu nói là đã thỏa mãn chưa, tương xứng chưa thì tôi nghĩ là chưa. Chúng ta còn nhiều điều chưa làm được so với khả năng, tiềm lực của Thủ đô. Tiềm năng thì lớn, cơ hội thì có, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Cho nên đòi hỏi một sự nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa” – nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/xay-dung-thu-do-ha-noi-hien-dai-phai-gan-voi-hon-cot-kinh-do-1000-nam-tuoi-post814107.html