Xây dựng trường chuẩn Quốc gia: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của ngành Giáo dục nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục. Xác định rõ mục tiêu đó, ngành Giáo dục các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác này, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cô và trò Trường tiểu học Dữu Lâu, thành phố Việt Trì thi đua dạy tốt, học tốt.

Đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn

Tới Trường Tiểu học Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay về diện mạo và chất lượng giáo dục nơi đây. Trường có khuôn viên rộng rãi với nhiều cây xanh, bóng mát. Cô giáo Đỗ Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường được công nhận chuẩn Quốc gia mức độ 2 từ năm 2000. Nhiều năm qua, để giữ vững danh hiệu trường chuẩn, Trường thường xuyên nâng cấp, cải tạo các hạng mục nên cơ sở vật chất khang trang. Nhà trường có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, các lớp học được trang trí đẹp mắt, hệ thống máy chiếu đa năng, máy tính đầy đủ; khuôn viên xanh, sạch, đẹp, an toàn, có tường rào bao quanh, nhà giữ xe, khu vệ sinh cho giáo viên và học sinh, khu bếp ăn, phòng ăn bảo đảm yêu cầu, phục vụ tốt học sinh ăn bán trú; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao.
Để công tác xây dựng trường chuẩn đạt hiệu quả, ngoài sự đầu tư của chính quyền địa phương, Ban Giám hiệu nhà trường còn tích cực huy động các nguồn xã hội hóa.Việc nhà trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia đã tạo điều kiện tốt cho giáo viên giảng dạy, học sinh học tập. Tương tự Trường Tiểu học Dữu Lâu, Trường THPT Việt Trì có cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập ngày càng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào thi đua “Dạy tốt- Học tốt”. Thư viện nhà trường có đủ sách báo, tạp chí tham khảo.Trường có sân bóng chuyền, bóng rổ và bóng đá được xây dựng từ nguồn xã hội hóa với số tiền trên một tỉ đồng. Cảnh quan nhà trường đảm bảo theo tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp. Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia của tỉnh đã đi vào nền nếp. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia.Tính đến hến năm 2021 toàn tỉnh có 775/877 trường (đạt 88,37%) trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó mầm non có 245/309 trường, tiểu học có 270/275 trường, THCS có 225/246 trường, THPT có 35/47 trường.
Thay đổi toàn diện chất lượng giáo dục

Có thể khẳng định, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần đổi thay toàn diện chất lượng giáo dục, giúp ngành Giáo dục tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công. Điển hình như Trường THPT Yên Lập được công nhận trường chuẩn Quốc gia năm 2014. Nhờ đó, học kỳ I năm học 2021-2022, nhà trường có gần 90% học sinh đạt học lực khá, giỏi. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT năm học 2021-2022, Trường duy trì xếp thứ nhất (58/60 học sinh đạt giải, trong đó có bẩy giải Nhất, 19 giải Nhì, 19 giải Ba, 13 giải Khuyến khích), nhiều môn có thứ hạng cao.
Những năm qua, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, huyện Hạ Hòa đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp GD&ĐT, tập trung xây dựng cơ sở vật chất các trường học đạt chuẩn Quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tính đến nay, toàn huyện có 61/73 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, đạt chuẩn về chất lượng, phân công hợp lý và đảm bảo tỉ lệ theo quy định. Từ đó thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh. Đồng chí Phạm Ngọc Diễm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa cho biết: Được sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ sở vật chất các trường học trong huyện có nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt, từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và huy động nguồn lực xã hội hóa, nhiều công trình được xây mới hoặc cải tạo, tu sửa; trường lớp khang trang, sạch đẹp hơn, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục. Huyện Thanh Thủy đến nay đã có 51/55 trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 11 trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ hai. Giáo dục toàn diện của huyện nằm trong tốp đầu toàn tỉnh, trường chuẩn Quốc gia trong nhóm cao nhất tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy khẳng định: Cơ sở vật chất các trường cơ bản được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dạy học và giáo dục của các nhà trường; huyện đặc biệt chú trọng ưu tiên các trường xây dựng chuẩn Quốc gia. Hiện nay, toàn huyện có 655 phòng học, trong đó có 619 phòng học kiên cố, 36 phòng học bán kiên cố, 11 phòng học tạm. Kết quả này không chỉ giúp ngành Giáo dục có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện đổi mới giáo dục, triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà còn hoàn thành tốt mục tiêu về xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Hoàn thiện cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo… là những tiêu chí bắt buộc trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia nhưng mục đích cuối cùng những tiêu chuẩn đó cũng chính là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 708 trường được đánh giá ngoài trường đạt chuẩn Quốc gia (Đánh giá ngoài là quy trình khảo sát, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước đối với trường học để xác định mức đạt được tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo); 63 trường được công nhận mới chuẩn Quốc gia; 645 trường duy trì chuẩn Quốc gia với tổng kinh phí huy động dự kiến trên 2.000 tỉ đồng, ngành Giáo dục sẽ nâng cao chất lượng công tác tự đánh giá, xây dựng văn hóa kiểm định trong các nhà trường. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia; đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, chuẩn về trình độ đào tạo, thúc đẩy chất lượng giáo dục trong các nhà trường phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202203/xay-dung-truong-chuan-quoc-gia-giai-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc-183066