Xây dựng TX. Cai Lậy xứng tầm đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh
Với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang, TX. Cai Lậy quyết tâm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, giai đoạn 2020 - 2025, không ngừng nâng cao vị thế, vai trò đô thị trung tâm phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Nói về xây dựng và phát triển đô thị ở thị xã thời gian qua, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Cai Lậy Phan Phùng Phú cho biết:
Ngay sau khi được thành lập, TX. Cai Lậy đã nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy, tập trung lãnh đạo nhân dân, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng mang tính bước ngoặt.
Từ đô thị loại IV, với xuất phát điểm rất thấp, chỉ hơn 6 năm nỗ lực phấn đấu xây dựng, TX. Cai Lậy đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt đô thị loại III thuộc tỉnh vào tháng 7-2020; đồng thời, xây dựng thành công 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TX. Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào cuối tháng 10-2020.
Với kết quả trên, có thể khẳng định rằng, TX. Cai Lậy đã thực hiện cơ bản hoàn thành Nghị quyết 09 ngày 22-3-2017 của Tỉnh ủy Tiền Giang về lãnh đạo xây dựng và phát triển TX. Cai Lậy đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2020, Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thị xã từng bước phát triển xứng với vai trò đô thị trung tâm của vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa, kết nối với sự phát triển các đô thị phía Tây của tỉnh…
Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo sâu sát và thường xuyên của các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang; sự giúp đỡ của lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân TX. Cai Lậy trong hơn nhiệm kỳ qua.
* Phóng viên (PV): Trong xây dựng đô thị loại III, thị xã có những tồn tại, hạn chế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Phan Phùng Phú: Tuy đạt được kết quả tích cực và khá toàn diện nêu trên, song TX. Cai Lậy cũng thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng và phát triển.
Một số tiêu chí của đô thị loại III còn đạt ở mức tối thiểu, nhất là các tiêu chí có liên quan đến kinh phí đầu tư lớn; sự tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình hình hạn, mặn, dịch bệnh gây thiệt hại rất lớn đến vườn cây ăn trái và vật nuôi, làm giảm thu nhập của người dân; tình trạng đất đai phân tán, manh mún, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu nên hiệu quả mang lại chưa cao; hình thức tổ chức sản xuất mới, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn chậm; liên kết sản xuất, sản phẩm nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị, có thương hiệu còn rất ít; một số dự án mời gọi, thu hút đầu tư còn khó khăn, chậm tiến độ (như Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây)…
* PV: Thời gian tới, TX. Cai Lậy đề ra các giải pháp, khâu đột phá nào để xứng tầm là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh Tiền Giang?
* Đồng chí Phan Phùng Phú: Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thị xã đã chọn khâu đột phá để đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉnh trang và phát triển đô thị để xứng tầm là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ thị xã, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã bắt tay ngay vào chỉnh sửa, bổ sung, ban hành quy chế hoạt động gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX. Cai Lậy lần thứ II. Song song đó, thị xã rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 để đảm bảo sự đầu tư phát triển đồng bộ tiêu chí đô thị văn minh và nông thôn mới nâng cao; gắn phát triển đô thị; cùng với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các loại hình dịch vụ; quản lý, kiểm soát môi trường góp phần xây dựng TX. Cai Lậy
xanh - sạch - đẹp theo hướng văn minh, hiện đại.
Mặt khác, thị xã tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, ban hành nghị quyết chuyên đề về huy động các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, nhà ở, trụ sở để tổ chức đấu giá tăng nguồn lực đầu tư và dành 100% cho đầu tư phát triển, dự kiến từ 200 - 300 tỷ đồng.
Thị xã kết hợp các nguồn lực đầu tư của Trung ương và tỉnh trên địa bàn, đặc biệt là đầu tư các dự án, công trình giao thông mang tính kết nối vùng và liên vùng trong tỉnh Tiền Giang, để xây dựng các công trình kết nối vào hệ thống hạ tầng giao thông của thị xã hiện hữu, nhằm khai thác có hiệu quả, đồng bộ cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.
Đồng thời, định hình khu trung tâm hành chính, chính trị mới, trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục thể thao để thúc đẩy mời gọi đầu tư các dự án xung quanh khu trung tâm hành chính mới trong tương lai theo quy hoạch.
TX. Cai Lậy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế; phát huy lợi thế của địa phương để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động mạnh hơn nữa theo hướng mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ. Trong đó, chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ, có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục...
Thị xã củng cố và phát triển mạnh hơn nữa dịch vụ, thương mại, gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; quyết tâm xây dựng và đưa Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây đi vào hoạt động; tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thị xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo quy định, trong đó tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi vừa có giá trị kinh tế cao vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương và biến đổi khí hậu.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
VĂN THẢO (thực hiện)