Xây dựng văn hóa chống lãng phí

Lãng phí là chuyện đã xưa cũ nhưng nó chưa bao giờ là cũ, nó vẫn còn đó, cả trong đời sống thường ngày của dân cư cũng như trong các cơ quan công quyền. Nó luôn là một trở lực làm cho dân khổ, nước nghèo.

Theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”.

Như vậy, có thể hiểu lãng phí là quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả, thường tập trung vào một số lĩnh vực, như quản lý xây dựng cơ bản, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, trụ sở làm việc, nhà công vụ; sử dụng các nguồn thu thường xuyên từ ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước; quản lý thời gian, sức lao động, nguồn nhân lực.

Đến với các đô thị lớn, nơi mỗi tấc đất được ví như một “tấc vàng” nhưng không khó để chứng kiến cảnh nhiều biệt thự, nhà liền kề… ở những vị trí đắc địa bị bỏ hoang, bỏ không, trong khi rất nhiều người dân còn chưa có chỗ ở.

Ở không ít địa phương trên cả nước, các “dự án treo” hàng chục năm cũng còn nhiều, khiến đất đai không được khai thác, sử dụng hiệu quả, cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực cũng bị “treo” theo dự án.

Không chỉ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lãng phí còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo khiến người dân, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, cơ hội sản xuất kinh doanh.

Một bộ phận cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thiếu năng lực, tâm huyết, chất lượng, năng suất lao động thấp vẫn không được loại bỏ, ngồi chiếm chỗ của người tài, người có năng lực, gây lãng phí lớn về chất xám, nguồn nhân lực, “lãng phí” niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Lãng phí cũng còn xảy ra ngay với mỗi người, trong mỗi gia đình. Đó là tình trạng sử dụng điện, nước không hiệu quả, nạn đốt vàng mã vô tội vạ, tình trạng xây dựng lăng mộ cho người chết quá bề thế, hay thậm chí từ một việc nhỏ như ăn uống hằng ngày không khoa học, hợp lý gây lãng phí thực phẩm.

Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nạn lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm vẫn còn sử dụng được nhưng bị thất thoát hay vứt bỏ mỗi năm, gây lãng phí khoảng 3,9 tỷ USD. Tỷ lệ lãng phí thực phẩm của nước ta cao gấp hai lần so với các nước tiên tiến và giàu trên thế giới… Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để chống lãng phí?

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lãng phí

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lãng phí rất rõ ràng, Người nói: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình".

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điểm mặt “tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ"; nó là “bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”; nó là “tội ác và tội lỗi ấy cũng nặng như Việt gian, mật thám”.

Trong ba thứ “giặc nội xâm” Bác nói đó, mỗi thứ có đặc điểm riêng. Ở đây chỉ đề cập đến lãng phí. Lãng phí rất gần với tham ô, tham nhũng. Vì cả hai đều đục khoét của công, của dân, đều làm nước nghèo, dân khổ, khiến dân phẫn nộ.

Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt”.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chỉ đạo để hoàn thiện các luật, quy định về phòng, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo thực hiện phòng, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý tài nguyên, vốn, tài sản của Nhà nước ở các doanh nghiệp. Các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Hiện nay, tình trạng lãng phí trong một số lĩnh vực, như đầu tư cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên... tuy từng bước được khắc phục nhưng còn chậm. Còn không ít bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong triển khai, thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, qua rà soát, hiện có 57 dự án gồm 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng, 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản, 15 dự án trong lĩnh vực giao thông, 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch, 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp cần xử lý chống lãng phí. Trong phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực diễn ra ngày hôm qua, Ban chỉ đạo đã thống nhất thời gian tới tập trung rà soát, xử lý các dự án dang dở, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước, xã hội.

Những dự án gây lãng phí lớn

Hai cơ sở bệnh viện có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án chống ngập tại TP. HCM cũng được đầu tư ngần đó số tiền, tất cả trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ so với tổng số 160 dự án đang bị ách tắc với 59.000 tỷ đồng được cơ quan chức năng rà soát thời gian qua.

Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay thực tế các dự án đắp chiếu này còn “nhiều hơn rất nhiều” nếu tổng rà soát cả nước. Một khi giải phóng được các dự án này sẽ khơi thông nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế.

Nhìn vào con số trên để thấy không phải bỗng nhiên người đứng đầu Đảng xác định đưa phòng chống lãng phí lên ngang hàng với nhiệm vụ phòng chống tham nhũng. Tham nhũng lấy đi một đồng, song lãng phí có khi phá vài đồng, hay như cách một số người ví von gần đây rằng “tham nhũng như hạt ngô, lãng phí như bắp ngô”.

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Một số các dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm.

Lãng phí gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển

Trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là: thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Nếu không kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, sẽ làm suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu: "Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa được 50% kế hoạch, còn mấy tháng nữa hết năm, "không biết có tiêu được hết tiền không?". Điều này dẫn đến bất cập là vốn đầu tư không giải ngân được, không đến được với dự án, thì Nhà nước lại phải đi vay tiền, thậm chí vay nước ngoài với lãi suất cao. Các chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm do quy định chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, mà "những quy định này cũng do các cơ quan đặt ra". Nhiều địa phương để ruộng đất cho cỏ mọc, cấp giấy phép dự án cho doanh nghiệp nhưng khi triển khai lại gặp vướng. "Lãng phí xảy ra nhiều lắm. Tại sao mình lại vướng mình, làm khó mình đến vậy? Quy định làm sao mà để cuối cùng mình không thực hiện được? Nhà nước còn không làm được thì sao doanh nghiệp làm được”.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước. “Đây là tình trạng người dân bức xúc. Dân hỏi mình không trả lời được. Ai cũng nói mảnh đất đó là vàng, là quý, trị giá bao nhiêu tiền nhưng sao đứng im, chục năm vẫn để cỏ mọc. Vậy ai chịu trách nhiệm? Nhà nước cấp thế nào mà để lãng phí, nếu doanh nghiệp không làm thì phải thu theo quy định. Vướng chỗ nào thì tháo gỡ đi, phải có người chịu trách nhiệm. Đây là tài sản của nhà nước, là tiền của của nhân dân", Tổng Bí thư nói.

Đại hội VI của Đảng - Đổi mới toàn diện đất nước

Không phải đến bây giờ nhu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật mới trở nên cấp thiết. Tháng 7-1986, đồng chí Trường Chinh nhận trọng trách người đứng đầu Đảng ta sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Thời gian diễn ra Đại hội VI của Đảng đã cận kề. Ông đã đưa ra quyết định đầy bản lĩnh và chưa từng có: Viết lại toàn bộ Báo cáo chính trị theo quan điểm quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối đổi mới. Quyết định này đã mở ra bước ngoặt mới cho đất nước.

Với vai trò “thuyền trưởng”, đồng chí Trường Chinh đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đấu tranh bảo vệ các quan điểm đổi mới. Tại diễn đàn Đại hội X của Đảng bộ TP Hà Nội, ông quả quyết: “Trở lại tập trung quan liêu, bao cấp là trở về cái ngõ cụt mà từ nhiều năm nay chúng ta đã loay hoay trong đó không có lối ra. Xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa chính là lối ra đúng đắn, không có con đường nào khác”.

Với tư tưởng chỉ đạo“giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có”, Văn kiện Đại hội VI nêu các yêu cầu chiến lược, trong có:

- Bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư. Thay vì thiên về xây dựng công nghiệp nặng và những công trình quy mô lớn, giai đoạn tới tập trung thực hiện ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu.

- Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Thừa nhận trong số các khuyết điểm, sai lầm giai đoạn trước đó, có những biểu hiện nóng vội.

- Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế: Xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế...

- Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.

Phải bỏ việc “không làm được thì cấm” và cơ chế “xin - cho”

Với tinh thần xây dựng pháp luật hiện nay phải vừa phục vụ quản lý, vừa phải kiến tạo phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Trước đây cũng hay níu kéo quyền anh, quyền tôi. Quy định trong các luật chung, rồi luật chuyên ngành nhưng cuối cùng cũng tạo ra các thủ tục và các cơ chế xin - cho. Điều đó không theo kịp sự phát triển, cản trở đất nước, do đó lần này phải khắc phục. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phân cấp, phân quyền triệt để hơn; cắt giảm thủ tục hành chính triệt để hơn, làm sao ngắn gọn hơn, giảm thời gian, chi phí, không đánh mất cơ hội của nhà đầu tư. Nhà nước có rất nhiều quyền, cho ai làm, làm ở đâu, làm thế nào, ra sao. Tất tần tật đều do chúng ta. Nhà đầu tư chỉ có một quyền thôi, đấy là không làm. Mà nhà đầu tư không làm thì chả có gì xảy ra cả. Vì vậy phải hài hòa quản lý nhà nước nhưng cũng thu hút, khuyến khích đầu tư để nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền, cả trong nước lẫn nước ngoài. (..)

Ví dụ một nhà máy ô tô Trung Quốc hàng tỉ đô la từ khi khởi công đến khánh thành mất có 11 tháng, trung tâm thương mại hàng triệu đô la từ khi khởi công tới khi khánh thành chỉ 68 ngày. Hay ở Dubai, một thành phố có diện tích 260 ha, 500 tòa nhà cao tầng, trị giá 20 tỉ đô la Mỹ làm đúng 5 năm, không sai một ngày. Thế giới phát triển như vũ bão, chúng ta không thể chậm trễ hơn được. Sắp tới không dừng lại ở đây, mở rộng quyền cho ban quản lý khu công nghiệp theo hướng ta định hướng, tiêu chí, tiêu chuẩn, kỹ thuật định mức, cứ thế mà làm. Trường hợp đặc biệt chúng tôi đề xuất cũng thế, nhà đầu tư không cần làm một số thủ tục thì mới rút ngắn được thời gian, để cạnh tranh trong tình hình hiện nay, thu hút nhà đầu tư”.

Ngày 30/10, Bộ Chính trị đã bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Việc đặt phòng, chống lãng phí ngang hàng với phòng, chống tham nhũng tiêu cực sẽ giải quyết kịp thời các vụ việc dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc, triển khai hiệu quả các luật sửa đổi để tháo gỡ điểm nghẽn và các nghị quyết thí điểm cơ chế xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sau khi được Quốc hội thông qua, góp phần khơi thông các nguồn lực đưa các tài sản lưu thông, tránh thất thoát lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Chống lãng phí phải đặt ngang hàng với chống tham nhũng

Tổng Bí thư Tô Lâm, tại cuộc họp BCĐ Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30/10 đã chỉ ra: “Phải coi phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ ngang hàng với phòng, chống tham nhũng tiêu cực, không phải chỉ là hệ lụy của phòng, chống tham nhũng tiêu cực mà đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Về tổng thể chúng ta vẫn phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp lên cao để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như xây dựng văn hóa, chống lãng phí trong toàn xã hội, chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội và ngay trong từng gia đình”.

Việc kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, được cán bộ, đảng viên, người dân đánh giá là rất đúng và trúng, mong chờ có nhiều chuyển biến trong thời gian tới. TS Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: “Lãng phí bất kỳ cấp độ nào, bất kỳ thời điểm nào đều có thể xảy ra, nếu cộng dồn vào thì nó còn nghiêm trọng hơn tham nhũng. Vì vậy đưa lãng phí tương đồng với tham nhũng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đánh động tới nhận thức của cán bộ, đảng viên”.

TS Đinh Văn Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho biết: “Nghiên cứu đưa ra những quy định để làm thật rõ biểu hiện của lãng phí, nó sẽ là thước đo để đánh giá cán bộ, cũng là thước đo, chuẩn mực để người dân giám sát cán bộ, đảng viên, các cơ quan Nhà nước cũng dựa trên những tiêu chí này để đánh giá, xử lý cán bộ”.

Theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: “Bài học từ những quốc gia phát triển, họ đều dựa trên chủ nghĩa tiết kiệm cả. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình, trước khi hóa rồng thì họ thực hiện chính sách tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng. Cả dân tộc hướng tới lợi ích chung. Qua đó, có rất nhiều kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi, không có một quốc gia giàu có nào mà lại lãng phí cả”.

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của đất nước đòi hỏi nhiều nỗ lực đồng bộ từ cả chính quyền lẫn người dân. Trước hết, việc nâng cao nhận thức là điều cốt lõi. Giáo dục về chống lãng phí cần được lồng ghép vào chương trình học và triển khai mạnh mẽ trong các chiến dịch truyền thông. Mỗi cá nhân đều cần hiểu rõ vai trò của mình trong việc tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ lợi ích chung. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và đưa ra những chế tài nghiêm khắc là một yếu tố quan trọng. Các quy định rõ ràng, chặt chẽ sẽ giúp ngăn chặn tình trạng lãng phí, đặc biệt là trong việc quản lý tài sản và đất công.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường khả năng giám sát của các cơ quan chức năng, đảm bảo xử lý kịp thời và minh bạch các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí trong thời kỳ đất nước phát triển vươn mình mạnh mẽ không chỉ là nhiệm vụ của riêng Nhà nước, mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, cho đến từng gia đình, cá nhân.

Chống lãng phí không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ về mặt kinh tế, mà còn là chiến lược phát triển bền vững giúp Việt Nam xây dựng nền móng vững chắc để vươn lên trong kỷ nguyên mới. Khi mỗi cá nhân, tổ chức đều nhận thức rõ vai trò của mình trong công tác này, thì đó chính là lúc chúng ta đang thực sự tạo ra một Việt Nam phát triển mạnh mẽ, hiện đại và thịnh vượng.

Phúc Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/xay-dung-van-hoa-chong-lang-phi-276951.htm