Xây dựng 'Vành đai chính trị an toàn' vùng đồng bào dân tộc
Chính sách dân tộc của Đảng ta luôn được quán triệt, triển khai thực hiện nhất quán trong suốt 93 năm qua theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch chống Việt Nam được triển khai toàn diện ở mọi miền dân cư, mọi đối tượng xã hội. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc là một trong những trọng điểm của chiến lược này. Sở dĩ các thế lực thù địch triệt để “khai thác” vùng đồng bào dân tộc bởi phần lớn đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và còn rất nhiều khó khăn so với cả nước, đặc biệt là tình trạng lạc hậu về thông tin nên dễ bị lợi dụng, mua chuộc.
Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm trên 80% dân số, các dân tộc còn lại đều là thiểu số. Đáng lưu ý đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc còn lạc hậu, dân trí thấp, một số luật tục lỗi thời chưa được loại bỏ triệt để. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một biến tướng do sự thâm nhập của những luồng văn hóa không lành mạnh. Các tệ nạn xã hội như nghiện hút, buôn bán ma túy, mại dâm, trộm cướp, buôn bán hàng lậu, hàng giả... là một mũi nhọn đánh vào kinh tế, phá rối an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc.
Song song đó, hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu mới đặt ra. Không ít cán bộ xã, thôn, bản hiểu biết, vận dụng chủ trương, chính sách, pháp luật vào quản lý, điều hành địa phương chưa hiệu quả. Vì vậy, chính quyền quản lý dân không chặt chẽ, không đủ khả năng vận động, tổ chức, hướng dẫn nhân dân làm ăn và giải thích cho dân hiểu âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch... Trong khi đó, bọn người xấu, những người truyền đạo trái phép len lỏi vào từng bản làng, từng gia đình tuyên truyền, mua chuộc, lôi kéo dân theo chúng, càng làm cho tình hình an ninh chính trị phức tạp.
Chẳng hạn, các đối tượng phản động thành lập hội nhóm trái pháp luật với khẩu hiệu “bảo tồn và phát triển lịch sử, tôn giáo và văn hóa người Khmer” nhưng thực chất hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với người Kinh, bôi nhọ, hạ thấp uy tín những chức sắc, sư sãi yêu nước, tiến bộ, từ đó kích động ly khai, kêu gọi người dân tham gia đấu tranh thành lập cái gọi là “Nhà nước Khmer Kom”…
Hay thông qua các chương trình về tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, một số đối tượng chống đối thực hiện thủ đoạn bóp méo, xuyên tạc tình hình bảo tồn văn hóa của người dân tộc; xuyên tạc những vấn đề lịch sử để chia rẽ người dân tộc với người Kinh. Thâm độc hơn, chúng còn thường xuyên dùng các thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo người có uy tín trong đồng bào dân tộc để qua đó tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng chính tiếng nói của họ.
Đi liền với việc xây dựng các tổ chức trên, một thủ đoạn khác của chúng là đẩy mạnh hoạt động các tổ chức ở nước ngoài như “Hội người Mông quốc tế”, “Liên hiệp người Mông tự trị”, “Hội người Khmer Krom”... Các tổ chức này vừa tập hợp, phát triển lực lượng là người các dân tộc thiểu số ở ngoài nước, vừa hỗ trợ móc nối phát triển lực lượng ở trong nước. Điển hình như đối tượng Vừ Thị Dợ, sinh năm 1978, người Mông, sinh sống tại Mỹ thường xuyên truyền đạo với cái tên “Bà cô Dợ” qua mạng xã hội với các nội dung chủ yếu mê tín dị đoan, xuyên tạc Kinh thánh, đả kích các tôn giáo chính thống, chê bai phong tục truyền thống của người dân tộc Mông; tuyên truyền về ngày tận thế, việc vua Mông ra đời…
Tóm lại, do dân trí thấp, ít thông tin, quản lý giáo dục thiếu chặt chẽ là “cơ hội ngàn vàng” để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại nhiều mặt, tuyên truyền xuyên tạc. Thủ đoạn của chúng vẫn là dùng người dân tộc chống người dân tộc, dùng dân tộc này chống dân tộc khác, chia cắt, xé lẻ khối đại đoàn kết toàn dân để dễ bề thao túng.
Những năm qua, có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng ta luôn được quán triệt, triển khai thực hiện nhất quán trong suốt 93 năm qua theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các văn kiện Đại hội Đảng đều nhấn mạnh nguyên tắc: Đoàn kết, bình đẳng giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Điều đó được khẳng định khi hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Các chương trình đã đem lại hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta, góp phần làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, xây dựng “vành đai chính trị an toàn” vùng đồng bào dân tộc.
Hiện nay, để tăng cường hiệu quả quản lý, ngăn ngừa các thế lực thù địch lợi dụng, kích động chia rẽ đồng bào cần quan tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Cùng với mục tiêu tổng thể, cần phải chi tiết hóa các dự án, vấn đề hàng đầu là xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm). Mặt khác, hướng dẫn đồng bào cách làm ăn, áp dụng tiến bộ kho học kỹ thuật canh tác vào trồng trọt, chăn nuôi; vận động bà con bỏ nếp canh tác cũ, lạc hậu.
Khôi phục, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào, đặc biệt những giá trị văn hóa giàu tính nhân văn, giàu bản sắc dân tộc, thành nội dung, hình thức chủ đạo trong sinh hoạt văn hóa của thôn bản; quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, kể cả vật thể và phi vật thể kết hợp phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong đời sống văn hóa, kiên quyết ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Khẩn trương bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ cơ sở. Đầu tư xây dựng trường phổ thông cơ sở, hoàn thành phổ cập, xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi...
Đẩy mạnh công tác phối hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù trong việc chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các địa bàn chiến lược xung yếu như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung.