Xây dựng vị thế Việt Nam ngày càng vững mạnh
75 năm sau Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 1945, Việt Nam đã vượt qua 4 cuộc khủng hoảng và kỳ vọng vượt qua cuộc khủng hoảng thứ 5 này. Đồng thời Việt Nam cũng đã 4 lần chuyển vị thế và kỳ vọng sẽ chuyển vị thế lần thứ 5.
Vượt qua 4 cuộc khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng lần thứ nhất diễn ra ngay sau khi cách mạng thành công, chính quyền cách mạng cùng một lúc phải chiến đấu với 3 loại giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và kéo dài trong nhiều năm sau đó. Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng các chiến thắng lịch sử (Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ, Điện Biên Phủ trên không, Chiến dịch Hồ Chí Minh…).
Cuộc khủng hoảng thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội. Tiềm ẩn từ những năm 70, bùng phát trong thập kỷ 80 và kéo dài đến những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn này tăng trưởng kinh tế thấp, bị suy thoái. Bình quân giai đoạn 1977 - 1990 tăng 3,97%/năm.
Cùng với đó là mức lạm phát “phi mã”, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/1990 cao gấp hàng chục lần so với tháng 12/1975 (tăng 86,8%/năm); 287,7 lần so với tháng 12/1985 (bình quân 1 năm tăng 210,31%). Trong giai đoạn này, nền kinh tế mất cân đối, thiếu hụt lớn, toàn bộ tích lũy - đầu tư và một phần tiêu dùng cuối cùng phụ thuộc vào nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp cao, đỉnh điểm vào năm 1989 lên tới trên 13%.
Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã đề ra hàng loạt các cải cách với việc chuyển đổi cơ chế, mở cửa hội nhập đã giúp cho đất nước đến đầu những năm 90 mới cơ bản thoát khỏi khủng hoảng nặng nề và kéo dài này.
Cuộc khủng hoảng thứ ba xuất phát từ bên ngoài, cụ thể là cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông Nam Á năm 1997 - 1998. Mặc dù Việt Nam không bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này nhưng với việc đã gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) từ 1995, nên cũng chịu những tác động trên một số mặt. Tăng trưởng kinh tế suy giảm từ 8,15% năm 1997 xuống còn 5,76% năm 1998 và rơi xuống còn 4,77% vào năm 1999. Cuộc khủng hoảng lần thứ tư cũng xuất phát từ bên ngoài. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, xuất phát từ Mỹ vào cuối năm 2008 và kéo dài sau đó mấy năm.
Việt Nam không bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này, nhưng do chúng ta mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên bị tác động tiêu cực đến nhiều mặt và kéo dài hơn so với nhiều nước. Chính vì thế nếu như năm 2007, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ghi nhận mức 7,13%, thì năm 2008 chỉ còn tăng 5,66%, đến năm 2012 chỉ tăng 5,25%.
Kinh tế Việt Nam khởi sắc từ năm 2015, đặc biệt từ năm 2016, kinh tế - xã hội đã có chuyển biến rõ rệt và trên nhiều mặt.
Tăng trưởng kinh tế cao trở lại trên 6%, trong đó 2018, 2019 đã vượt qua 7%, đưa bình quân năm trong thời kỳ 2016 - 2019 đạt 6,96%, thuộc loại cao trên thế giới. Lạm phát từ 2014 đến nay được kiểm soát thấp hơn mục tiêu (bình quân năm CPI tăng 2,89% so với mục tiêu 4%). Cán cân thương mại từ chỗ nhập siêu lớn, từ năm 2012 đã giảm xuống, đặc biệt từ năm 2016 đến nay đã chuyển sang xuất siêu (2016 là 1602,4 triệu USD, 2019 là 1.0873,7 triệu USD; kết quả 7 tháng năm 2020 (xuất siêu 6,5 tỷ USD) là tín hiệu để cả năm sẽ xuất siêu và năm 2020 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu. Tỷ lệ nghèo giảm mạnh, nghèo đa chiều xuống dưới 8%...
Kỳ vọng vượt qua cuộc khủng hoảng thứ 5
Thế giới đang đứng trước cuộc khủng hoảng mới. Cuộc khủng hoảng này có sự “cộng hưởng” tác động của nhiều yếu tố. Cuộc khủng hoảng kinh tế có tính chất chu kỳ khoảng 10 năm. Đặc biệt là những tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết… Tất cả các yếu tố trên đã tác động đến cả tiêu thụ trong nước và xuất, nhập khẩu, đây là những yếu tố chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Và theo nhiều đánh giá, dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay sẽ là 5%.
Ngân hàng trung ương các nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có, với lãi suất chính sách ở mức gần bằng 0; đưa ra các gói kích thích, kích cầu lên đến hàng chục nghìn tỷ USD (bằng khoảng 15% tổng GDP của toàn cầu, chỉ còn kém GDP của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc). Tiền ra nhiều và lớn hơn hàng (sản phẩm sản xuất), dẫn đến lạm phát tăng cao vào cuối năm là khó tránh khỏi.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên chịu những tác động không nhỏ. Tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 0,36%, tính chung 6 tháng chỉ tăng 1,81%, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra các dự báo khác nhau về tốc độ tăng trưởng cả năm. Trong đó một số dự báo tăng trưởng GDP chưa bằng một nửa tốc độ tăng 7,02% của năm 2019, hay bằng một nửa tốc độ tăng theo Nghị quyết của Quốc hội. Thậm chí mới đây còn có dự báo tăng trưởng GDP có thể mang dấu âm. Lạm phát tăng thấp vào đầu năm, có thể tăng cao vào cuối năm. Xuất khẩu dịch vụ so với cùng kỳ giảm quá nửa.
Xuất khẩu hàng hóa 7 tháng tăng rất thấp (0,2%), nhập khẩu giảm (giảm 2,9%). Số khách quốc tế giảm sâu (61,6%), kéo theo xuất khẩu dịch vụ du lịch giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng đang là vấn đề lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, với kinh nghiệm vượt qua các cuộc khủng hoảng trước đây, và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ chống dịch như chống giặc, chống suy giảm kinh tế như chống giặc và cộng hưởng việc tham gia của người dân… kỳ vọng Việt Nam sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng thứ 5.
Bốn lần chuyển vị thế thành công
Lần chuyển vị thế thứ nhất do Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 mang lại, đã làm cho chế độ phong kiến hàng nghìn năm bị xóa bỏ, chế độ thuộc địa gần 100 năm bị đánh sập, Việt Nam từ nước thuộc địa, nửa phong kiến chuyển thành nước độc lập, có quyền dân tộc tự quyết, quyền lựa chọn và quyết định thể chế chính trị của mình. Tuy nhiên, cách mạng thắng lợi chưa được bao lâu, Việt Nam phải trải qua 30 năm kháng chiến để giành độc lập, thống nhất non sông.
Lần chuyển vị thế thứ hai, khi Việt Nam đã kết thúc các cuộc chiến tranh kéo dài, chuyển từ đất nước bị chiến tranh, bị chia cắt, sang vị thế của đất nước hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối.
Lần chuyển vị thế thứ ba, với đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp kéo dài hàng chục năm, sang nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập đã góp phần đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài và đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội và chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lần chuyển vị thế thứ tư, năm 2008 Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp, sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp). Đây là lần chuyển vị thế rất quan trọng. Qua đó Việt Nam thảo luận để đưa ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao. Nếu thực hiện được thì sẽ đạt được lần chuyển vị thế thứ năm, một cuộc chuyển vị thế quan trọng để có thể rút ngắn thời gian hơn so với các cuộc chuyển vị thế lần trước.
Những bài học kinh nghiệm
Việc chuyển vị thế, vượt qua khủng hoảng trong 75 năm qua đã thuộc về lịch sử. Lịch sử là quá khứ, mà quá khứ là kinh nghiệm.
Bài học kinh nghiệm về tranh thủ thời cơ. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công có một phần quan trọng nhờ nắm bắt thời cơ, như “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thắng lợi của công cuộc thống nhất, giang sơn thu về một mối cũng có một phần quan trọng là tranh thủ thời cơ. Việc chuyển vị thế và vượt qua cuộc khủng hoảng nào cũng cần tranh thủ thời cơ.
Bài học kinh nghiệm về đổi mới tư duy, đổi mới toàn diện và liên tục, nếu sợ chệch hướng, nếu dừng lại, sẽ chậm phát triển, thậm chí cản trở phát triển. Quyết liệt, khát vọng nhưng không kiêu ngạo; cẩn trọng nhưng không chần chừ, trì trệ. Đổi mới lần 1 đã cạn, cần chuyển sang đổi mới lần 2.
Bài học kinh nghiệm về mở cửa, hội nhập trên cơ sở độc lập, đa dạng hóa, đa phương hóa. Độ mở nền kinh tế không chỉ rộng về số lượng, mà quan trọng hơn ở chất lượng, ở hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu FDI, cơ cấu thị trường...
Bài học kinh nghiệm trong việc kết hợp giữa “bàn tay hữu hình” và “bàn tay vô hình”. “Bàn tay hữu hình” là sự quản lý, điều hành của Nhà nước với các chức năng chủ yếu: Tạo hành lang pháp lý, kiểm tra, thanh tra xử lý để các chủ thể hoạt động trên thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, làm dịch vụ hành chính công. Nhà nước rút dần và không trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh, làm giảm các khuyết tật của cơ chế thị trường (như cá lớn nuốt cá bé, độc quyền, chênh lệch giàu nghèo...). “Bàn tay vô hình” là tác động của các quy luật khách quan đến nền kinh tế, như quy luật cung - cầu, quy luật giá trị... không bị chi phối bởi ý chí chủ quan của con người.
Bài học kinh nghiệm về chống tham nhũng. Vào năm 1993, tham nhũng được xác định là nguy cơ. Mà nói nguy cơ tức là còn ở ngoài ngõ; nay đã vào nhà, gây ra các tai họa, thậm chí là hiểm họa mất còn của đất nước. Và công cuộc phòng, chống tham nhũng quyết liệt thời gian qua được người dân quan tâm đã và đang là yếu tố quan trọng để loại bỏ những rào cản ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-vi-the-viet-nam-ngay-cang-vung-manh-394917.html