Xe buýt Hà Nội (Transerco): Lợi nhuận cả năm vỏn vẹn 1,4 tỷ, nợ phải trả hơn 1.500 tỷ đồng

Năm 2021, kết quả kinh doanh của Transerco thể hiện doanh thu thuần ở mức 1.948 tỷ đồng, giảm 14,9% so với năm 2020. Sau khi trừ đi các chi phí, Transerco chỉ thu về khoản lợi nhuận 1,5 tỷ đồng trong năm 2021, giảm tới 90% so với năm 2020.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) được biết đến là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 72/2004/QĐ – UB ngày 14.5.2004.

Hiện nay, Transerco là đơn vị đang là đơn vị được thành phố Hà Nội giao triển khai các dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (thương hiệu Hanoibus), quản lý bến bãi và dịch vụ điểm đỗ xe công cộng tại Thủ đô Hà Nội.

Theo thông tin được công bố, ông Nguyễn Thành Trung đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên của Transerco; ông Nguyễn Thanh Nam đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Dữ liệu từ báo cáo tài chính tổng hợp mới nhất của Transerco cho thấy, những năm gần đây tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này vô cùng ảm đạm.

Cụ thể, năm 2021, kết quả kinh doanh của Transerco thể hiện doanh thu thuần ở mức 1.948 tỷ đồng, giảm 14,9% so với năm 2020. Mặc dù có doanh thu cao như vậy nhưng giá vốn bỏ ra của doanh nghiệp bám đuổi sát nút khi đạt mức 1.832 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ đạt 115 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Transerco năm 2021 và 2020.

Kết quả kinh doanh của Transerco năm 2021 và 2020.

Sau khi trừ đi các chi phí, Transerco chỉ thu về khoản lợi nhuận 1,5 tỷ đồng trong năm 2021, giảm tới 90% so với năm 2020.

Về tình hình tài chính, thời điểm kết thúc năm 2022, doanh nghiệp có khối tài sản trị giá 3.039 tỷ đồng, giảm so với thời điểm đầu năm gần 300 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tài sản dài hạn đạt mức 2.346 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Transerco ở mức 1.554 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính đang ở mức 639 tỷ đồng. Điều này cũng khiến cho Transerco tiêu tốn tới 60 tỷ cho chi phí lãi vay trong năm 2021.

Các khoản vay của Transerco tập trung nhiều ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mục đích để mua sắm thêm xe buýt. Những khoản vay này được đảm bảo bằng việc thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đang ở mức 1.485 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm (1.552 tỷ đồng).

Bên cạnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2021, một điều đáng chú ý là tình trạng xe buýt xảy ra va chạm giao thông dẫn tới chết người. Đáng chú ý, trong năm 2021 nhiều vụ tai nạn giao thông chết người có liên quan đến xe buýt của Transerco.

Hiện trường vụ xe buýt lao lên vỉa hè đâm chết người xảy ra tại Hà Nội.

Hiện trường vụ xe buýt lao lên vỉa hè đâm chết người xảy ra tại Hà Nội.

Trước thực trạng này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Tổng công ty Vận tải Hà Nội, các Xí nghiệp xe buýt khẩn trương rà soát và có giải pháp không để tái diễn tình trạng tương tự.

Đặc biệt, theo một thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội vào năm 2016, Từ tháng 1 đến tháng 8 xảy ra 10 vụ (trung bình hơn 1 vụ/tháng) tai nạn liên quan xe buýt làm tám người chết, ba người bị thương.

Tú Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/xe-buyt-ha-noi-transerco-loi-nhuan-ca-nam-von-ven-1-4-ty-no-phai-tra-hon-1-500-ty-dong-i336689/