Xe điện Trung Quốc Aion bán tại Việt Nam: Quá nhiều khó khăn từ thiết kế đến trạm sạc

Thêm một hãng xe điện Trung Quốc là Aion bán ở Việt Nam và những thách thức trước mắt đã ngay lập tức được nhìn ra. Một phần vì thiết kế vẫn khá thô, phần nhiều vẫn đến từ hệ thống trạm sạc không có là nỗi lo hàng đầu của người dùng xe điện.

Xe điện Trung Quốc Aion - Giá cao, chất lượng bị đặt dấu hỏi?

Aion ES cạnh tranh ở phân khúc sedan hạng C.

Aion ES cạnh tranh ở phân khúc sedan hạng C.

Thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục đón nhận thêm một hãng xe đến từ Trung Quốc gia nhập. Thương hiệu Aion thuộc Tập đoàn GAC Motor chuyên sản xuất, phân phối xe ô tô thuần điện.

Aion vừa ra mắt Việt Nam với 2 sản phẩm gồm: Aion ES có giá 788 triệu đồng và Aion Y Plus giá 888 triệu đồng.

Dòng sedan hạng C Aion ES sẽ gặp những thách thức lớn khi phải cạnh tranh với đối thủ như Toyota Corolla Altis, Honda Civic hay Mazda 3 vốn đã quá quen mặt trên thị trường nhưng vẫn chật vật trong cuộc đua doanh số.

Ở Việt Nam, xe sedan hạng C sử dụng động cơ xăng vẫn đang gặp nhiều khó khăn về doanh số trong thời gian gần đây. Nhu cầu của người dùng chuyển dần sang xe SUV, bỏ lại khoảng trống khó san lấp, nhiều dòng xe từng bán chạy như Toyota Corolla Altis, Honda Civic vừa lọt Top xe bán ế.

Đối với xe điện Aion ES, khó khăn sẽ còn tăng lên gấp bội phần bởi mức giá chạm ngưỡng 800 triệu đồng, rất khó để người dùng quan tâm đối với một chiếc sedan hạng C.

Trong khi đó, Aion Y Plus cũng vấp phải sự cạnh tranh lớn không kém khi gia nhập phân khúc C-SUV với loạt đối thủ như Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Honda CR-V và trực tiếp là xe điện VinFast VF7.

Có thể dễ dàng nhận thấy, ngoại thất của 2 chiếc xe điện Aion tương đối bắt mắt, nhưng nội thất thì trái ngược hoàn toàn. Đến giờ, một chiếc xe vẫn sử dụng vô-lăng bọc nhựa, màn hình viền dày là điều khó chấp nhận với người dùng bỏ ra gần 1 tỷ đồng.

Chất lượng hoàn thiện nội thất của xe Aion thực sự khiến người dùng đặt dấu hỏi.

Chất lượng hoàn thiện nội thất của xe Aion thực sự khiến người dùng đặt dấu hỏi.

“Khó hiểu nhỉ, 800 triệu mua sedan mà vẫn dùng vô-lăng nhựa, trong khi đó tầm tiền này mua Mazda 3, KIA K3 đã có bản full, xe khác cũng xịn hơn nhiều", người dùng Tuấn Anh bình luận.

Tương tự, người dùng Việt Trinh cũng cho rằng, Aion đã làm khó chính mình khi giới thiệu 2 mẫu xe có nội thất rẻ tiền: “Nội thất thế này giống xe bán 10 năm trước, chất lượng nội thất quá tệ, nếu là xe Nhật thì còn tạm chấp nhận chứ xe Trung Quốc thì sẽ sớm bị lãng quên thôi".

Xe điện Aion - Khó khăn từ thương hiệu đến hạ tầng trạm sạc

“Tôi không hiểu sao xe Trung Quốc cố chấp vào Việt Nam để làm gì, dù biết tiềm năng nhưng cũng phải phù hợp chứ. Đồng tình là trang bị hạn chế để mức giá tốt, nhưng 800 triệu không phải rẻ mà trang bị quá tệ, giờ còn không trạm sạc thì xe Trung Quốc thực sự khó cửa ở Việt Nam", người dùng Cửu Long bình luận.

Thực tế, các thương hiệu ô tô đến từ Trung Quốc ở Việt Nam vẫn đang bị người dùng “ghẻ lạnh" bởi sự đầu tư chưa thực sự nghiêm túc. Những cái tên như Wuling, Haima… đến nay vẫn không nhiều người biết có mặt trên thị trường bởi thực tế chất lượng sản phẩm của những chiếc xe này vẫn chưa khiến người dùng có thể đặt niềm tin.

Aion cũng đang đi vào “vết xe đổ" đó khi đã bị mác xe Trung Quốc, giờ còn thêm nhiều khó khăn bủa vây.

Ngoài yếu tố xuất xứ, xe điện Trung Quốc Aion còn không có hạ tầng trạm sạc nhanh tại thị trường Việt Nam. Hãng này không tiết lộ kế hoạch xây dựng trạm sạc mà sẽ phụ thuộc vào bên thứ 3 tương tự BYD. Rõ ràng điều này khiến người dùng khó lòng bỏ ra số tiền lớn để chấp nhận đánh đổi với 1 thương hiệu xe Trung Quốc.

Xe điện Aion sẽ khó vì thương hiệu Trung Quốc và không có trạm sạc.

Xe điện Aion sẽ khó vì thương hiệu Trung Quốc và không có trạm sạc.

Không những vậy, khi sử dụng trạm sạc của bên thứ 3, người dùng bị hạn chế bởi hiện mới chỉ có ở những thành phố lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh. Đồng thời, giá của những trạm sạc do bên thứ 3 xây dựng đang có giá thành đắt gấp nhiều lần so với chính hãng như một thương hiệu ô tô điện ở Việt Nam.

“Dùng xe điện quan trọng nhất vẫn là trạm sạc, nếu làm nghiêm túc thì phải đầu tư hạ tầng. Xe Trung Quốc ở quê mới được hỗ trợ nhiều, trạm sạc rộng chứ ở Việt Nam không có trạm sạc mà chỉ sạc ở nhà thì không dám mua", tài khoản Thu Thảo cho hay.

Theo chuyên gia, ô tô vẫn là tài sản lớn đối với đa phần người dân Việt Nam nên vấn đề họ quan tâm vẫn phải là câu chuyện giá bán. Bỏ ra 800 triệu đồng để nhận về 1 chiếc xe Trung Quốc không có hạ tầng sạc thì ít người dám đánh đổi, chưa kể nội thất còn khá rẻ tiền.

Thực tế, hiện thị trường trong nước đang có rất nhiều lựa chọn cho khách hàng ở tầm giá 800 triệu đồng. Do đó, cánh cửa cơ hội dành cho Aion ở Việt Nam đang dần khép khi vừa thông báo mở bán.

Phương Linh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/xe-dien-trung-quoc-aion-ban-tai-viet-nam-qua-nhieu-kho-khan-tu-thiet-ke-den-tram-sac-183241015202936167.htm