Xe đưa đón công nhân đắt hàng thời Covid-19

Do phải tăng gấp đôi lượt xe mỗi ngày nên đời sống, thu nhập của lái xe, doanh thu vận tải của doanh nghiệp vẫn được bảo đảm, thậm chí tốt hơn trước.

Số xe hợp đồng đưa đón cán bộ, công nhân lao động cho các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và thực hiện đúng quy định phòng dịch Covid-19

Số xe hợp đồng đưa đón cán bộ, công nhân lao động cho các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và thực hiện đúng quy định phòng dịch Covid-19

Ô tô vận tải hành khách đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất từ trước đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ô tô đưa đón công nhân lại đang hoạt động khá hiệu quả.

Hoạt động bình thường

Trong tất cả các loại hình vận tải hành khách bằng đường bộ, hiện nay ô tô đưa đón cán bộ, công nhân là xe duy nhất được phép hoạt động. Trước đó, theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải, để phòng chống dịch Covid-19, tất cả xe khách tuyến cố định liên tỉnh, toàn bộ xe buýt đi trong, ngoài tỉnh và xe taxi phải tạm dừng hoạt động. Kể cả xe hợp đồng chở khách đi tham quan du lịch cũng phải ngừng cho đến khi có thông báo mới.

Đại diện Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết để phục vụ hoạt động sản xuất trong lúc này, đơn vị vẫn phải hợp đồng với các doanh nghiệp (DN) vận tải duy trì đủ 40 ô tô đưa đón cán bộ, công nhân lao động như trước đây. Để bảo đảm an toàn mùa dịch bệnh, mỗi xe chỉ chở một nửa số người so với trước đây. Do vậy, thay vì 80 lượt xe thì nay các phương tiện phải luân chuyển thành 160 lượt/ngày cả đưa và đón.

Ngoài Công ty TNHH May Tinh Lợi, thời điểm này, mặc dù ít nhiều bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các DN lớn vẫn duy trì việc đưa đón cán bộ, công nhân. Đó là các Công ty TNHH: Makalot, Công nghiệp Brother Việt Nam, Sumidenso Việt Nam, NamYang Delta…

Theo đại diện một số đơn vị có xe hợp đồng đưa đón công nhân, do phải tăng gấp đôi lượt xe mỗi ngày nên giá trị hợp đồng vận chuyển đã thay đổi so với trước. Do vậy đời sống, thu nhập của lái xe, doanh thu vận tải của DN vẫn được bảo đảm, thậm chí tốt hơn trước.

Theo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải), hiện chưa có thống kê chính xác số ô tô đưa đón công nhân toàn tỉnh. Nguyên nhân do đơn vị chỉ cấp phép cho xe chạy hợp đồng còn vận chuyển khách tham quan du lịch, đưa đón công nhân hay học sinh thì DN vận tải tự hợp đồng với các đơn vị và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Gần đây, theo yêu cầu của Sở Giao thông vận tải, một số DN vận tải và các DN đã gửi báo cáo có khoảng 200 xe ô tô đưa đón cán bộ, công nhân đang hoạt động. Nhưng do báo cáo chưa đầy đủ nên số lượng xe đưa đón công nhân trên thực tế còn cao hơn. Qua báo cáo, Công ty TNHH Tuấn Vinh có 46 xe chuyên chở công nhân. Có đơn vị ít xe và vẫn duy trì hoạt động bình thường như Công ty TNHH Vận tải Phú Ngọc có 6 xe, đang đưa đón công nhân cho các doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương…

Bảo đảm an toàn

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết từ ngày 31.3, xe hợp đồng vận chuyển đưa đón cán bộ, công nhân lao động 35 chỗ trở lên chỉ được chở tối đa 20 người. Các xe còn lại không được chở quá 50% số khách được phép chở. Tất cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các xe phải bố trí nước sát khuẩn và yêu cầu hành khách sát khuẩn mỗi khi lên xuống. Đặc biệt, chủ xe, lái xe phải khử khuẩn xe trước và sau khi đón khách, lập danh sách hành khách từng chuyến xe để theo dõi, giám sát. Từ ngày 31.3 đến nay, qua kiểm tra, các DN có xe vận chuyển cán bộ, công nhân lao động và lái xe đều thực hiện nghiêm quy định này.

Ông Hoàng Duy Kha, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH NamYang Delta tại khu công nghiệp Đại An mở rộng cho biết, DN vẫn thường xuyên có từ 48-50 xe đưa đón cán bộ, công nhân lao động ở nhiều nơi trong tỉnh. Mỗi khi xuống xe vào công ty, cán bộ, công nhân lao động đều được yêu cầu sát khuẩn tay, đeo khẩu trang liên tục trong thời gian làm việc. "Nếu không thực hiện đúng quy trình phòng bệnh, không may xảy ra rủi ro sẽ phải ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi ấy, DN bị thiệt hại rất lớn. Vì thế chúng tôi luôn yêu cầu cán bộ, công nhân lao động tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn phòng chống dịch với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh", ông Hoàng Duy Kha nói. Theo đại diện Công ty TNHH Tuấn Vinh, với số xe vận chuyển công nhân lớn như hiện nay, nếu không chấp hành đúng hướng dẫn của ngành giao thông vận tải về phòng dịch như số người được phép chở, khoảng cách của khách trên xe, khử khuẩn, vệ sinh phương tiện… thì DN sẽ bị xử lý, thậm chí đình chỉ hoạt động. Việc chấp hành nghiêm hướng dẫn sẽ vừa giúp phòng dịch cho cộng đồng, vừa bảo đảm quyền lợi cho DN.

CẨM GIANG

Do tác động của dịch Covid-19, đến nay toàn tỉnh có 620 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, 72 doanh nghiệp vận tải hành khách cố định (gồm 30 đơn vị trong tỉnh, còn lại là doanh nghiệp tỉnh ngoài) phải ngừng hoạt động; 30 đơn vị vận tải hành khách chỉ hoạt động một phần.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/xe-dua-don-cong-nhan-dat-hang-thoi-covid-19-133094