Xe nhiều, hành khách ít
Khác với khung cảnh hành khách chen chúc mệt nhoài để chờ xe về quê đón Tết như những năm trước, những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các bến xe khách ở Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu chưa từng có. Điều đáng nói là, cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, các bến xe, nhà xe cũng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến đi.
Khác với khung cảnh hành khách chen chúc mệt nhoài để chờ xe về quê đón Tết như những năm trước, những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các bến xe khách ở Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu chưa từng có. Điều đáng nói là, cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, các bến xe, nhà xe cũng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến đi.
“Đỏ mắt” chờ khách
Những ngày này, các bến xe khách ở Hà Nội đều ế ẩm, vắng khách. Lác đác mới có khách vào bến, tất cả đều đeo khẩu trang kỹ lưỡng. Ngồi chờ giờ lên xe tại bến xe Giáp Bát, chị Nguyễn Thị Phương, quê ở Thanh Hóa chia sẻ, năm nay, hành khách đi lại ít, cho nên dễ mua vé, không phải đặt trước hoặc chen chúc chờ đợi như những năm trước.
Thông thường, từ ngày 23 tháng Chạp, nhu cầu về quê ăn Tết của sinh viên, người lao động rất cao. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Hà Nội đã chuẩn bị hơn 2.000 lượt xe tăng cường, song theo báo cáo của các đơn vị quản lý bến xe, đến cuối ngày 9-2 (ngày 28 tháng Chạp), dù lượng khách có tăng hơn so với những ngày trước, nhưng vẫn không đáng kể, cho nên các đơn vị chưa phải huy động lượt xe tăng cường nào. Do vắng khách, lượng ô-tô trong các bến đều chưa hoạt động hết công suất. Là một trong nhiều nhà xe có hơn 20 năm hoạt động tuyến Nam Định - Hà Nội, mỗi ngày nhà xe Thành Thân có tám xe hoạt động. Những ngày gần đây, doanh nghiệp giảm xuống chỉ chạy sáu xe, nhưng vẫn luôn vắng khách. “Khi chưa có dịch Covid-19, hành khách đi xe đã vắng, nay còn ít hơn nhiều. Chúng tôi đang phải bù lỗ cho mỗi đầu xe hoạt động”, nhân viên điều hành nhà xe Thành Thân cho biết. Lái xe Lê Hùng Dũng của nhà xe Hiền Lan chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa cũng cho biết, thông thường từ ngày 23 tháng Chạp hằng năm là xe chật khách. Nhưng năm nay khách vắng hẳn, do người dân lo ngại dịch bệnh, hạn chế đi lại.
Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, dịp Tết năm nay, sản lượng hành khách qua lại bến xe sụt giảm từ 50 đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm hơn các ngày thường, giảm đều trên các tuyến. Hiện nay, Bến xe Giáp Bát có gần 100 ca xe không hoạt động hoặc hoạt động với tỷ lệ xe rất thấp, chỉ từ 10 đến 30% số xe đăng ký. Phần lớn nhà xe bỏ ca, không chạy thuộc các tuyến Thanh Hóa, Ninh Bình và Nam Định; trong đó, có những nhà xe hoạt động với quy mô khá lớn như: Công ty cổ phần ô-tô Ninh Bình, tỷ lệ ca hoạt động cao nhất cũng chỉ hơn 20%, tương ứng khoảng năm đến bảy chuyến/ngày.
Trước đó, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu hạn chế vận chuyển hành khách trên các phương tiện giao thông công cộng. Trong đó, xe khách không chở vượt quá 50% số người theo thiết kế của nhà sản xuất và không quá 20 người đối với tất cả các loại xe. Chủ động điều phối phương tiện giao thông công cộng, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Tuy nhiên, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết, trường hợp các xe khách chạy quá 50% số ghế theo quy định hầu như không xảy ra. Để phục vụ người dân đi lại dịp Tết, bến xe đã lên kế hoạch dự phòng xe tăng cường, nhưng với lượng khách thế này thì không cần phải triển khai kế hoạch dự phòng xe tăng cường, bởi lượng khách đã giảm 40 đến 50%. Nguyên nhân là do các tuyến từ Hà Nội đi các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương phải dừng hoạt động để phòng dịch và do người dân hạn chế đi lại. “Bao nhiêu năm làm ở bến xe chưa bao giờ tôi chứng kiến ngày giáp Tết mà bến xe đìu hiu như vậy”, ông Lý Trường Sơn bày tỏ.
Nghiêm túc phòng, chống dịch
Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, công ty đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, yêu cầu các bến xe, doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của T.Ư và thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp các lực lượng chức năng, doanh nghiệp vận tải bảo đảm tình hình an ninh trật tự, chống ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Ghi nhận tại các bến xe cho thấy, việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 khá nghiêm túc. Phần lớn các bến xe, nhà xe đều bố trí cồn sát khuẩn, nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang, khai báo y tế... Bến xe Nước Ngầm bố trí một xe lưu động nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Tại cổng chính Bến xe Yên Nghĩa, nhân viên của đơn vị phun khử khuẩn ô-tô khách vào bến. Ở các cửa soát vé, nhân viên nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn. Nhân viên tạp vụ lau chùi ghế ngồi, cửa ra vào trong nhà chờ của bến xe bằng nước pha dung dịch diệt khuẩn. Nhiều nhà xe đo thân nhiệt, đề nghị hành khách sát khuẩn tay, khai báo y tế trước khi bước lên xe...
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết: “Chúng tôi yêu cầu các bến xe thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở tới các lái xe, phụ xe thực hiện công tác phòng, chống dịch; cung cấp nước sát khuẩn cho hành khách rửa tay; yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang; cho phun khử khuẩn tất cả các xe trước khi vào bến. Đồng thời, các nhà xe phải bố trí nước sát khuẩn và máy đo thân nhiệt để khách rửa tay, kiểm tra nhiệt độ. Nhà xe phải cho khách khai báo y tế chính xác, để sau này nếu có hành khách nào nghi nhiễm Covid-19 có thể trích xuất nhanh lộ trình di chuyển. Đơn vị nào không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Long nhấn mạnh.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/xe-nhieu-hanh-khach-it-635139/