Xẻ núi, cắt rừng làm đường kết nối di sản
Du khách thập phương đến các di tích lịch sử ở TX Đông Triều (Quảng Ninh) có thể chạy xe bon bon trên tuyến đường tâm linh rộng rãi, êm thuận...
Một thời, nhiều xã nằm ở khu vực phía Bắc thị xã Đông Triều và xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là khu vực giao thông cách trở.
Thế nhưng, tất cả đã đổi thay nhờ một con đường. Giờ ngày càng nhiều du khách tìm đến nơi mang vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ.
Giao thông cách trở chỉ còn là ký ức
Du khách thập phương đến với các di tích lịch sử ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) như Ngọa Vân, Hồ Thiên… có thể chạy xe bon bon trên tuyến đường tâm linh rộng rãi, êm thuận, được thảnh thơi chiêm bái chốn cửa thiền, ngắm cảnh sơn thủy hữu tình.
Nhưng không mấy người biết cách đây khoảng chục năm, để đến được các khu di tích ấy, gần như đều phải… đi bộ.
Ông Hoàng Việt Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) kể: Xã Thượng Yên Công và các xã Tràng Lương, Bình Khê… của thị xã Đông Triều chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống.
Nếu như ở Thượng Yên Công chủ yếu là người dân tộc Dao thì cách bên kia con suối lớn sang các xã thuộc thị xã Đông Triều là người dân tộc Sán Dìu định cư từ bao đời nay.
Đây là vùng rừng núi hiểm trở, tuyến giao thông kết nối các địa phương với nhau là con đường cấp phối, nhiều đèo cao, vực sâu lại bị chia cắt bởi các con suối lớn.
“Trước đây, do việc khai thác gỗ trái phép ở các địa phương diễn ra rầm rộ, tuyến đường từ Thượng Yên Công sang xã Tràng Lương vốn đã nhỏ, hẹp lại phải oằn mình “cõng” cả đoàn xe tải chở than, chở gỗ.
Hậu quả là dù đất đai tại vùng giáp ranh phì nhiêu, rộng lớn, nhưng do giao thông cách trở, nên bà con chủ yếu bỏ hoang. Đời sống của nhiều hộ dân chỉ dựa vào đi rừng khai thác lâm sản phụ, nên luôn khó khăn, lạc hậu.
Là người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên tại xã Thượng Yên Công, anh Trương Tam Nam, nhà ở thôn Khe Sú 2, nhớ lại, cách đây hơn chục năm, gia đình anh thuộc diện khó khăn nhất xã.
Dù đất nông - lâm nghiệp của gia đình không thiếu, nhưng có làm ra cũng không tiêu thụ được hoặc bị tư thương ép, nên giá rẻ như cho. Lúc nông nhàn, cả nhà lên rừng bắt con dúi, con sóc, hái thuốc, lấy măng.
“Vào mùa mưa, những con suối lớn từ thượng nguồn đổ về khiến cho tuyến đường bị chia cắt cục bộ.
Khi có việc, muốn sang xã Tràng Lương bên cạnh, người dân phải đi vòng xuống trung tâm thành phố, theo QL18A qua trung tâm thị xã Đông Triều rồi vòng lên mất mấy chục cây số”, anh Nam kể.
Anh Tạ Văn Phúc, người dân tộc Sán Dìu, ở thôn Năm Giai, xã Tràng Lương cho biết, bình thường không sao, nhưng khi nhà có người bị bệnh, hay phụ nữ khó sinh cần đưa đi cấp cứu vào ngày mưa lũ là cả một vấn đề.
Lặn lội rừng sâu vẽ hướng tuyến
Nhận thấy cần phải có một tuyến đường để phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số tại Thượng Yên Công, Tràng Lương, Bình Khê… vươn lên thoát nghèo, hơn chục năm trước, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền sở tại nghiên cứu triển khai.
Ông Vũ Văn Khánh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các dự án giao thông tỉnh Quảng Ninh - chủ đầu tư tuyến đường kể, chủ trương của tỉnh là khơi thông tuyến đường, không chỉ giúp nhân dân khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên một vùng rộng lớn mà còn kết nối được các điểm du lịch tâm linh ở thị xã Đông Triều với Khu di tích danh thắng Yên Tử…
“Quá trình khảo sát, thi công tuyến đường vô cùng khó khăn, phức tạp. Trong vùng không chỉ có nhiều đèo cao, suối sâu khiến thi công phức tạp mà hướng, tuyến đi qua có nhiều rừng cảnh quan, thậm chí có thể phát lộ thêm những di tích lịch sử bị hoang phế.
Việc thiết kế phải tính toán rất cụ thể, khoa học”, ông Khánh nói và cho biết: Để có được bản thiết kế tốt nhất, đội ngũ cán bộ của đơn vị phải ngày, đêm ở rừng sâu, nghiên cứu đánh giá cụ thể từng ngọn núi, con suối, từng cánh rừng…
Sau một thời gian, hồ sơ thiết kế cũng đã hoàn thành. Theo đó, dự án gồm 2 tuyến đường, tuyến 1 đấu nối từ Trung tâm TP Uông Bí vào Khu di tích Yên Tử với chiều dài 9,48km và tuyến 2 nối từ ngã tư Nam Mẫu, thuộc Khu di tích Yên Tử đến bãi đỗ xe chùa Hồ Thiên, thị xã Đông Triều với tổng chiều dài 18,8km, tổng đầu tư trên 640 tỷ đồng. Dự án bắt đầu khởi công từ tháng 9/2013.
Ông Nguyễn Văn Thu, đại diện liên danh nhà thầu Thịnh Phát - Thành Dương, đơn vị thi công tuyến đường kể, quá trình thi công, do điều kiện địa chất rất phức tạp, nhất là ở khu vực xẻ núi nên đất, đá rời rạc dễ sạt, lở.
Nhiều đợt vào mùa mưa, tuyến vừa được thi công xong thì xảy ra sạt, lở hàng vạn mét khối.
Tại một số điểm cắt qua rừng, yêu cầu bảo vệ rất nghiêm ngặt khiến cho việc thi công tiến triển khá chậm…
“Thế nhưng, do chuẩn bị tốt phương tiện, nhân lực và phương án thi công hiệu quả, cuối cùng con đường cũng hoàn thành trước niềm vui vỡ òa của chủ đầu tư và đơn vị thi công”, ông Thu cho hay.
Sau hai năm triển khai thi công, tuyến 2 của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước kế hoạch một năm.
Khi đưa vào sử dụng, tuyến đường đã rút ngắn khoảng cách hai địa phương Đông Triều và Uông Bí.
Đặc biệt, hai xã miền núi khó khăn là Thượng Yên Công (TP Uông Bí) và xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều đã giảm bớt những khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai địa phương này, góp phần khai thác tốt giá trị của Khu di tích Yên Tử và Khu di tích Nhà Trần.
Một điểm đáng chú ý, cùng với việc thi công con đường, cơ quan chức năng của thị xã Đông Triều đã phối hợp nâng cấp, hoàn thiện hệ thống di tích và giao thông kết nối.
Cụ thể là đã tập trung tu bổ, tôn tạo các dự án thuộc quần thể khu lăng mộ, di tích nhà Trần trên địa bàn Đông Triều.
Nghiên cứu đầu tư hệ thống cáp treo và trùng tu, tôn tạo chùa Ngọa Vân, tu bổ, tôn tạo chùa Hồ Thiên…
Do đó, chỉ sau thời gian ngắn khi tuyến đường tâm linh được hoàn thành, hầu hết các di tích, công trình kết nối với di tích trên địa bàn thị xã Đông Triều đã được đưa vào hoạt động. Nhờ thế, lượng du khách đến với các di tích tâm linh ở cả hai địa phương đều tăng mạnh.
Khi con đường tâm linh được mở ra, đồng bào các dân tộc nơi tuyến đường đi qua đã mạnh dạn vay vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác theo tính chất hàng hóa. Nhiều hộ gia đình đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ thay cho việc đi rừng bắt thú, hái lá thuốc như trước đây.
Điển hình như hộ anh Trương Tam Nam ở thôn Khe Sú 2, đã mở nhà hàng ăn uống phục vụ du khách trong mùa lễ hội Yên Tử với mức thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, xây được nhà cao tầng, sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, con cái được học hành đầy đủ.
Hay như hộ anh Tạ Văn Phúc ở xã Tràng Lương, từ nguồn được đền bù, giải phóng mặt bằng kết hợp với học hỏi kinh nghiệm, hiện nay, gia đình anh đã có hệ thống nhà hàng kết hợp với du lịch trải nghiêm rộng vài hécta, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xe-nui-cat-rung-lam-duong-ket-noi-di-san-d581087.html