Xem phụ nữ miền biển Hà Tĩnh đục đá tìm hàu

Thường thường, cứ khoảng 14h chiều - khi thủy triều bắt đầu rút, những người phụ nữ ở làng biển Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) lại cần mẫn men theo từng mõm đá ven chân cầu Cửa Nhượng để bắt đầu một ca đục hàu kéo dài chừng 3 giờ đồng hồ.

Video: Những người phụ nữ mưu sinh bên con nước

Thủy triều bắt đầu rút cũng là lúc người dân ở các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) mang theo “đồ nghề” như búa, dùi sắt, rổ đựng... đi dọc bãi đá dưới chân cầu Cửa Nhượng để đục hàu. Mặc dù thời tiết những ngày này se lạnh, mưa phùn nhưng những người phụ nữ miền biển vẫn miệt mài bên những mõm đá để săn “lộc biển”. Những lúc cao điểm có khoảng 20 người tham gia đi đục hàu.

Hàu thường bám trên nhưng mõm đá, chân cầu và đây là nguồn mưu sinh của nhiều phụ nữ miền biển xứ Cẩm.

Những người phụ nữ thường dùng một chiếc dùi sắt và một chiếc búa để tách hàu khỏi các mõm đá. Công việc này tuy vất vả, nhưng giúp người dân có thêm đồng ra đồng vào.

Bên mõm đá bằng phẳng khi thủy triều vừa rút, chị Nguyễn Thị Văn (thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng) bắt đầu công việc quen thuộc thường ngày. Chị cầm búa đập mạnh vào chiếc dùi sắt nhọn đang hướng vào những con hàu bám chặt trên đá vừa lộ ra khi thủy triều rút.

Những nhát búa chắc chắn được chị Văn đóng mạnh vào các tảng đá để tách hàu. Cứ thế, chị đục hết con này đến con khác. Tiếng đục đá chìm trong tiếng sóng ràn rạt vỗ bờ. Chị Văn cho biết, chồng chị làm nghề đi biển, còn chị ở nhà hằng ngày tranh thủ thời gian nông nhàn ra những ghềnh đá để đục hàu kiếm thêm thu nhập. Chị làm nghề đục hàu từ thời còn con gái, đến nay đã được hơn 10 năm.

"Nghề này đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khó mới làm được. Đặc biệt, người làm nghề phải nhanh tay, vì khi thủy triều dâng lên là không làm được nữa. Khi đục, nếu trúng hàu chắc thì nước sẽ có màu như sữa. Tưởng chừng nhẹ nhàng vậy nhưng công việc cũng vất vả lắm, chúng tôi thường bị hàu làm đứt tay, chân như ăn cơm bữa. Bởi thế, tôi thường phải trang bị găng tay, tất chân để không bị hàu cứa. Mỗi chuyến đục hàu, tôi thu được khoảng 2,5kg ruột hàu, bán được khoảng 200 nghìn đồng. Số tiền này giúp tôi có thêm nguồn thu trang trải thêm trong gia đình”, chị Văn chia sẻ.

Men theo những tảng đá dưới chân cầu Cửa Nhượng, chúng tôi bắt gặp gần chục phụ nữ đang cần mẫn, đều tay bên từng mõm đá để săn “lộc biển”. Nghề đục hàu phụ thuộc vào các con nước. Khi nước rút xuống, cánh phụ nữ ven biển lại rủ nhau ra chân cầu Cửa Nhượng đục hàu.

Chị Nguyễn Thị Xuân (thôn 8, xã Cẩm Lĩnh) chia sẻ: “Người dân ven biển chúng tôi từ nhiều đời nay bám biển để mưu sinh. Từ lúc sinh ra đến giờ, biển luôn gắn bó với cuộc sống của chúng tôi. Tôi chọn nghề đục hàu để kiếm sống, cái nghề mà chị em miền biển chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau là nghề “đục đá kiếm lúa” bởi miền biển không có ruộng để sản xuất, từ nghề đục hàu đã giúp chị em có thêm thu nhập để mua lúa, gạo và lo cho các con ăn học”.

Cũng giống với những người phụ nữ trong thôn, trong xã, chồng chị Xuân đi biển còn chị hàng ngày tranh thủ ra các ghềnh đá, chân cầu để đục hàu, vừa có thêm nguồn thực phẩm cho bữa ăn gia đình, vừa có thêm thu nhập.

Tận mắt thấy những người phụ nữ làm nghề đục hàu mới hiểu hết sự chịu thương, chịu khó của họ. Cần mẫn tìm kiếm, gỡ từng con hàu ra khỏi những khối đá sắc nhọn, dẫu biết vất vả, nhưng các chị, các mẹ đều luôn nở những nụ cười lạc quan.

Theo nhiều người dân miền biển, hàu có thể khai thác quanh năm nhưng thời điểm hàu nhiều nhất chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 8. Theo kinh nghiệm của những thợ đục hàu lâu năm, khoảng thời gian hàu ngon và được giá nhất là từ tháng 10 - 12 âm lịch. Tuy nhiên, mùa này khai thác hàu rất vất vả, số lượng cũng ít hơn vụ hè bởi thời tiết mưa rét khắc nghiệt.

Để có thể khai thác hàu quanh năm, người dân xứ biển đã biết duy trì nguồn lợi hải sản bằng cách đục những con hàu lớn còn những con hàu nhỏ thì để lại. Nhờ đó, các bãi đá dưới chân cầu Cửa Nhượng luôn chi chít hàu, đảm bảo cho người dân khai thác mùa này qua mùa khác.

Hàu sau khi được khai thác từ các bãi đá sẽ được người dân đem về tách vỏ rồi bán cho các thương lái, hoặc đem ra chợ để tiêu thụ. Hàu ở chân cầu Cửa Nhượng luôn được người dân, các nhà hàng hải sản, khách sạn, quán ăn trên địa bàn ưa chuộng bởi vị ngọt đặc trưng và nhiều chất bổ dưỡng. Món hải sản nhiều dinh dưỡng này có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon như hàu nướng, cháo hàu…

Mỗi chuyến đục hàu kéo dài khoảng 3 - 4 giờ, mỗi người có thể thu được khoảng 2 - 3 kg ruột hàu. Với giá bán ruột hàu từ 75 - 80 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi chuyến đi, một người có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng.

Mặc dù số tiền từ nghề đục hàu mang lại không lớn nhưng đã giúp nhiều người dân nơi đây tăng thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống. Khi được hỏi “có khi nào các chị muốn từ bỏ nghề hay không?”, những người phụ nữ gắn bó lâu năm với nghề đục hàu lắc đầu cười nói: “Nghề không cần bỏ vốn, cứ gắn bó đến khi nào tay run, chân mỏi thì thôi. Được nhiều thì đem ra chợ bán lấy tiền trang trải trong gia đình, còn ít thì làm món ngon cho cả nhà cùng thưởng thức!”

Bên cạnh đục hàu, nhiều phụ nữ cũng tranh thủ nước rút săn thêm các loại ốc, sò và ngao biển để tăng thêm thu nhập của mỗi chuyến đi.

Những con sò, ngao được “bới” lên từ cát biển. Mỗi buổi, người dân ngoài đục hàu còn kiếm thêm được khoảng 2kg ốc, ngao, sò các loại, cho thu nhập thêm khoảng 60 - 70 nghìn đồng.

Thủy triều bắt đầu lên, gió cũng thổi mạnh hơn, đồng hồ điểm 17 giờ chiều cũng là lúc người dân mang thành quả là những giỏ hàu, sò, ngao biển... trở về nhà. Từng tốp người lưng đeo giỏ, tay cầm làn, cầm búa, đục... hồ hởi chào nhau. Cuộc mưu sinh thường nhật của người dân nơi đây như lặng lẽ hòa vào tiếng sóng vỗ của biển cả.

Văn Chung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/mon-ngon/theo-chan-phu-nu-mien-bien-ha-tinh-duc-da-san-hau/207733.htm