Xem xét đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú gần 8.500 tỷ đồng theo phương thức PPP
Hội đồng thẩm định liên ngành được giao xem xét đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 8.365 tỷ đồng...
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu giao với Quốc lộ 1, trùng với điểm cuối cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 3627/VPCP – CN gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Bộ Giao thông vận tải trình, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định các nội dung dự án về phù hợp với quy định của pháp luật và đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư, kiến nghị rõ phê duyệt hay không phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo phương thức PPP.
Trước đó, tại Tờ trình số 4393/TTr-BGTVT ngày 6/5/2022, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đầu tư PPP.
Dự án có điểm đầu tại Km 0+000, giao với Quốc lộ 1 tại khoảng Km 1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km 60+100 (qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 tại khoảng Km 69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc).
Tuyến đường đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai.
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75 m.
Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, đánh giá hiện trạng hệ thống giao thông hiện hữu trong khu vực dự án và khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tính toán sơ bộ cho thấy, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) là 8.365 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí xây dựng là 4.962 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.287 tỷ đồng. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 – 2022; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022 đến 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2022 đến 2023; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 đến 2025.
Về phương án huy động vốn, Bộ Giao thông vận tải đề xuất vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.300 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư huy động (nguồn vốn đầu tư BOT) là 7.065,651 tỷ đồng.
Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu phí dịch vụ trong thời gian 20 năm 3 tháng với giá khởi điểm là 1.700 đồng/CPU/km và sẽ tăng lên đến 3.400 đồng/CPU/km vào năm 2042.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Được biết, dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200 km, chia thành ba đoạn đầu tư. Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn huyện Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dài 140km. Đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông vận tải phụ trách.