Xem xét kỹ lưỡng phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19, xem xét kỹ lưỡng phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.

Tác động của dịch COVID-19 tới Việt Nam rất nghiêm trọng khi tốc độ tăng GDP quý I chỉ đạt 3,82%, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Ảnh minh họa

Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2020, trong đó xem xét kỹ lưỡng, có phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tác động của dịch COVID-19 tới Việt Nam rất nghiêm trọng. Tốc độ tăng GDP quý I chỉ đạt 3,82%, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.

Do dịch bệnh kéo dài, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao nhiệm vụ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2020.

Về dự thảo Nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu lưu ý về kế hoạch tổ chức lại, kiểm tra, đôn đốc việc đẩy mạnh sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; tìm biện pháp đón nhận các dòng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư xã hội; khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, cần có phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn, chú ý giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tiết giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tận dụng tốt các cơ hội phục hồi nền kinh tế sau dịch.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xem-xet-ky-luong-phuong-an-dieu-chinh-chi-tieu-kinh-te--xa-hoi-nam-2020-post76655.html