Xem xét một số cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội, Đà Nẵng

Tại phiên họp tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến xem xét về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và việc phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội và Đà Nẵng sẽ được xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù

Hà Nội và Đà Nẵng sẽ được xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù

Ngày 20/4, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội. Theo chương trình dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các dự án: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Cư trú (sửa đổi); một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội.

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019; điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020; điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em;” việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức; báo cáo chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này vì chưa đủ điều kiện.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/xem-xet-mot-so-co-che-dac-thu-cho-thanh-pho-ha-noi-da-nang-1644639.tpo