Xếp bút nghiên ra trận

Những cái bắt tay, ôm chặt và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào như kéo dài bất tận trong cuộc hội ngộ nhân kỷ niệm 50 năm 'xếp bút nghiên ra trận' của các cựu chiến binh (CCB) từng là sinh viên các trường đại học nhập ngũ năm 1970. Sau chừng ấy năm, thời gian đã nhuộm màu mái tóc mỗi người, nhưng ký ức về thời điểm rời ghế nhà trường cùng lớp lớp thanh niên cả nước lên đường ra trận vẫn vẹn nguyên và tươi mới.

"Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/ Học người xưa đi cứu non sông.../ Từ nay gian khó chinh nhân/ Tuổi xanh nguyện ước trong lòng ghi sâu/ ...Ra đi vì nước diệt thù/ Hẹn ngày chiến thắng trở về trường xưa...". Những vần thơ vang lên tại hội trường buổi gặp mặt làm lắng đọng bao cảm xúc về một thời khói lửa, tràn đầy nhiệt huyết. "Ngày ấy, được cầm súng lên đường đánh giặc với chúng tôi là một khao khát, dù biết sự khốc liệt của chiến tranh với bao khó khăn, thử thách, dù biết có thể phải đối mặt với hy sinh, mất mát..."-Anh hùng LLVT Trần Văn Xuân, nguyên trợ lý tên lửa tầm thấp, Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân nhớ lại.

 Các cựu chiến binh từng là sinh viên đại học, nhập ngũ năm 1970 tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm lên đường ra trận.

Các cựu chiến binh từng là sinh viên đại học, nhập ngũ năm 1970 tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm lên đường ra trận.

Ngày 24-8-1970, khi đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Thủy lợi và thực hiện đồ án tốt nghiệp, Trần Văn Xuân xung phong lên đường nhập ngũ. Tạm gác lại việc học, Trần Văn Xuân cũng như mỗi thanh niên khi đó mang trong mình một quyết tâm lớn "Tất cả vì miền Nam ruột thịt". Ông trải lòng: "Trong buổi chia tay gia đình ở Chùa Láng (Hà Nội), bố tôi nén tiếng thở dài: "Giá mà lên đường chậm lại một năm nữa"; đứa em tôi thì bật khóc khi nghe anh hô "Có" dõng dạc, đầy quyết tâm lúc điểm danh quân số. Khoảnh khắc đó khiến bản thân không tránh khỏi lưu luyến... Thế nhưng, âm vang của giai điệu "Ba sẵn sàng", của "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"... rộn ràng trên đường phố, trên giảng đường đã thúc giục chúng tôi ra trận. Đó là khí thế, là tình yêu nước của cả một thế hệ trong kháng chiến".

Khí thế ấy đã thôi thúc hàng nghìn sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội xung phong ra trận. Có nhiều người đang học năm thứ nhất, có người sắp tốt nghiệp, tràn đầy ước mơ, hoài bão, nhưng với họ đó luôn là niềm tự hào.

Từng là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhập ngũ năm 1970 để bổ sung cho Mặt trận Quảng Trị, cựu chiến binh Tô Ngọc Thắng, nguyên cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn còn nhớ như in giây phút bịn rịn chia tay bạn bè, thầy cô, gia đình tại sân trường; rồi những ngày đầu vào quân ngũ, từ chàng thư sinh miệt mài đèn sách phải làm quen với cuộc sống đầy gian lao, vất vả trên thao trường huấn luyện trước khi vào Nam chiến đấu. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, có anh là liệt sĩ nên Tô Ngọc Thắng không thuộc diện nhập ngũ. Thế nhưng khi cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị bước vào giai đoạn ác liệt nhất, với lý tưởng cống hiến cho Tổ quốc, Tô Ngọc Thắng cùng hàng trăm sinh viên của trường tạm xa giảng đường, sẵn sàng đối mặt với hy sinh, gian khổ. Đôi mắt đỏ hoe trên khuôn mặt rắn rỏi, CCB Tô Ngọc Thắng bồi hồi nhớ lại những đồng đội của mình đã nằm xuống trên Mặt trận Quảng Trị gần nửa thế kỷ trước. "Năm 1972, trong đội hình của Đại đội 8, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, chúng tôi trực tiếp chiến đấu giành nhau với địch từng tấc đất, ụ súng, giao thông hào. Có trận trời mưa tầm tã, anh em pháo binh rất khổ vì đạn ướt, khó khăn trong cách đánh. Tuy nhiên, bằng sự dũng cảm, mưu trí, đơn vị đã giành được thế thắng, đẩy lui quân địch về phía Thừa Thiên. Nhưng một số đồng chí, anh em đã vĩnh viễn nằm lại...", ông kể.

Trực tiếp có mặt trên các trận tuyến khốc liệt nhất, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ... rồi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dù ở chiến trường nào, những chiến sĩ sinh viên cũng kiên cường, thông minh, quả cảm, chiến đấu giỏi, lập nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu như các đồng chí: Anh hùng LLVT Nghiêm Xuân Danh, trắc thủ tên lửa Trung đoàn 257, Quân chủng Phòng không-Không quân, nguyên sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Anh hùng LLVT Lê Xuân Đĩnh, Đại đội trưởng Đại đội 15, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, nguyên sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp 1; Anh hùng LLVT Phan Kim Kỳ, nguyên sinh viên Trường Đại học Thủy lợi, xạ thủ tên lửa A72 đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ...

Phẩm chất yêu nước, kiên cường, dũng cảm của những người lính sinh viên được tôi rèn trong chiến trường đã tạo nên "chất thép" giúp họ thêm vững vàng trên trận tuyến mới. Theo CCB Nguyễn Hữu Mão, Trưởng ban Tổ chức cuộc gặp mặt, sau ngày đất nước thống nhất, nhiều người trở lại giảng đường, tiếp tục đi học. Không ít trong số đó trở thành các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội, nhà thơ, nhà văn... tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều đồng chí tích cực tham gia công tác hội, nhiệt tình giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn và tham gia nhiều hoạt động tình nghĩa, như: Hỗ trợ các gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà khi ốm đau, bệnh tật; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế...

"Mỗi lần gặp lại đồng đội, được cùng nhau hát những bài ca cách mạng, ôn lại một thời hoa lửa, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ", CCB Nguyễn Hữu Hoàn bộc bạch.

Bài và ảnh: NGUYỄN THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/xep-but-nghien-ra-tran-643063