Xét nghiệm diện rộng, thần tốc: 'Chìa khóa' giúp kiểm soát, khống chế dịch bệnh
Theo thông tin từ các chuyên gia, hơn 50% ca nhiễm trong đợt dịch này không xuất hiện triệu chứng, nhiều F0 lẫn trong cộng đồng chưa phát hiện. Việc tăng cường xét nghiệm sàng lọc diện rộng là chiến thuật quan trọng, nhất là xét nghiệm nhanh để khoanh vùng dập dịch hiệu quả.
Ứng phó trong tư thế chủ động
Chiều 13/5, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định thành phố đủ năng lực, điều kiện để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao sự quyết liệt của các địa phương trong nỗ lực truy vết, cách ly, xét nghiệm. Ba nhiệm vụ này có mối liên hệ mật thiết, quyết định đến hiệu quả phòng, chống dịch.
“Thành ủy đánh giá cao và rất ấn tượng với số mẫu xét nghiệm đã được lấy trong một thời gian ngắn. Đặc biệt ở những khu vực nguy cơ cao, mới đây nhất là Khu công nghiệp Đà Nẵng, tốc độ lấy mẫu được đẩy nhanh hơn, giúp chúng ta sớm nhận định được mức độ, nguy cơ của dịch bệnh, để từ đó có những biện pháp kịp thời”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhận xét.
Theo báo cáo của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, trong vòng 24 giờ, lực lượng chuyên môn đã tổ chức lấy 21.920 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, nâng tổng số mẫu được lấy và xét nghiệm từ ngày 3/5 đến nay là hơn 75.400 mẫu. Đây là số mẫu xét nghiệm được lấy cao nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng. Các địa phương đều đẩy nhanh tốc độ, số lượng mấy mẫu, trong đó Q. Sơn Trà lấy hơn 9.000 mẫu, Q. Thanh Khê gần 3.000 mẫu, Q. Liên Chiểu hơn 2.300 mẫu, huyện Hòa Vang hơn 2.000 mẫu…
Trước đó, trong giai đoạn TP.HCM xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 mới liên quan đến nhóm nhân viên thuộc đội quản lý và đội bốc xếp hàng hóa, hành lý của Công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) tại sân bay Tân Sơn Nhất, chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là một trong những “chìa khóa” của thành công, giúp kiểm soát chuỗi lây nhiễm này.
Tại thời điểm đó, xét nghiệm được thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ như F1, mở rộng cho nhóm F2, lấy mẫu rộng các hộ gia đình xung quanh các địa điểm liên quan đến bệnh nhân, trong thời điểm TP phong tỏa 35 địa điểm.
Sau khi thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng, đánh giá nguy cơ và dựa trên các bằng chứng điều tra, các địa điểm phong tỏa được gỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Giữ vững "thành trì" chống dịch
Tính đến sáng ngày 14/5, tại TP.HCM, sau một đêm, một ngày, tất cả các bệnh viện tại TP.HCM đã lấy 40.168 mẫu được lấy xét nghiệm COVID-19, trong đó nhân viên y tế: 26.491 mẫu; bệnh nhân: 7.671 mẫu, còn lại là số mẫu lấy người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện để xét nghiệm giám sát COVID-19.
Hiện những bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 đang thực hiện xét nghiệm, những trường hợp còn lại sẽ do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thực hiện mẫu gộp.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc lấy mẫu xét nghiệm gấp trong đêm như thế này là để phòng chống COVID-19 lây lan trong bệnh viện tại TP.HCM trước tình trạng nhiều bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội những ngày qua bị COVID-19 xâm nhập, lây lan, phải bị phong tỏa.
PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện đã lấy hơn 4.000 mẫu, trong đó bệnh nhân và thân nhân chiếm hơn 2.000 mẫu để xét nghiệm mẫu gộp. Dự kiến từ 1- 2 ngày tới bệnh viện sẽ xét nghiệm xong. Trong khi đó, BV Nhân dân 115 cũng đã huy động nguồn lực để lấy mẫu. Có khoảng trên 3.000 mẫu được lấy để gởi HCDC xét nghiệm.
“Bệnh viện cũng lấy mẫu định kỳ 10% nhân viên y tế, nhưng trong điều kiện dịch bệnh bùng phát thì bệnh viện lấy mẫu toàn thể nhân viên để sàng lọc, phát hiện và phòng bệnh tốt. Bệnh viện tuyến cuối là rất quan trọng, nên cán bộ nhân viên đều đồng lòng thực hiện lấy mẫu, lãnh đạo bệnh viện lấy mẫu đầu tiên”, bác sĩ Trần Văng Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 nói.
Không chỉ tại TP.HCM, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, đặc biệt là trong môi trường bệnh viện.
Theo kết quả xét nghiệm mới nhất ngày 12/5/2021, toàn bộ mẫu xét nghiệm của bệnh nhân- thân nhân nội trú tại BV Đa khoa Trung tâm (ĐKTT) An Giang đều âm tính với COVID-19. Trong các mẫu xét nghiệm âm tính ngày 12/5/2021 cũng bao gồm đối tượng cán bộ là khách đến làm việc tại bệnh viện ở các cơ quan ban ngành khác, nhân viên của các Quỹ từ thiện và Hội bảo trợ có liên quan đến BVĐKTT An Giang…
Như vậy, bên cạnh cán bộ y tế BV ĐKTT An Giang đã có kết quả âm tính từ ngày 11/5/2021, các đối tượng khác có đến BVĐKTT An Giang làm việc, bệnh nhân - thân nhân nội trú tại BVĐKTTAG đều đã được lấy mẫu và chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2.