Xét xử AVG: Con gái cựu Bộ trưởng Bắc Son vắng mặt, 'số phận' 3 triệu USD nhận hối lộ thế nào?
Theo báo cáo của thư ký tòa, bà Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái bị cáo Nguyễn Bắc Son) và một số người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ vắng mặt tại phiên xử ngày (16/12). Nếu con gái cựu Bộ trưởng Bắc Son vắng mặt, 'số phận' 3 triệu USD nhận hối lộ thế nào?
TAND Hà Nội đang mở phiên sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng 12 bị cáo về các hành vi Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công; Đưa và Nhận hối lộ xảy ra trong vụ án MobiFone mua AVG. Dư luận mong muốn sớm làm rõ số tiền 3 triệu USD mà cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ.
Trước đó, trong lời khai của ông Son cho biết, đã đưa toàn bộ số tiền 3 triệu USD cho con gái, ông Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền cho con gái, bị can Nguyễn Bắc Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.
Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ bị can Nguyễn Bắc Son. Cụ thể, làm việc với cơ quan Công an, bà Huyền thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Son cùng vợ cũng vào TP HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể. Bà Huyền khai không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son. Cơ quan điều tra đã cho đối chất. Kết quả, bà Huyền vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.
Ngoài việc chờ đợi HĐXX tuyên bản án thích đáng với những quan tham, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến việc thu hồi tài sản mà các bị cáo đã nhận hối lộ.
Trong phiên tòa diễn ra ngày 16/12, báo cáo của thư ký tòa cho biết, bà Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái bị cáo Nguyễn Bắc Son) và một số người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ vắng mặt tại phiên xử. Thông tin này càng khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Nếu con gái cựu Bộ trưởng Bắc Son vắng mặt tại tòa thì “số phận” 3 triệu USD nhận hối lộ thế nào?
HĐXX cho biết, phiên tòa kéo dài nhiều ngày nên tòa án sẽ triệu tập người liên quan đến tòa. Mặt khác, những người vắng mặt đều đã có lời khai trong hồ sơ. Nếu cần thiết, HĐXX sẽ công bố lời khai của những người này.
Như vậy, việc bà Nguyễn Thị Thu Huyền con gái ông Nguyễn Bắc Son không ảnh hưởng đến việc xét xử và bà Huyền có thể bị triệu tập đến tòa bất cứ lúc nào.
Phân tích về việc ông Son nhận hối lộ 3 triệu USD, nếu không thể khắc phục thì sẽ phải đối mặt với bản án thế nào? Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội nhận định, những bị can bị khởi tố tội đưa và nhận hối là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội tham nhũng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tội nhận hối lộ là tội có cấu thành vật chất nên phải xác định trị giá của nhận hối lộ để làm căn cứ xử lý tương ứng theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự 2015. Nếu có căn cứ xác định các bị can nhận hối lộ với trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt 20 năm tù, tù chung thân và cao nhất đến tử hình.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ông Nguyễn Bắc Son bị truy tố hai tội danh đặc biệt nghiêm trọng là: Tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội Nhận hối lộ.
Với tội nhận hối lộ, ông Nguyễn Bắc Son sẽ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ tội khi lượng hình sự như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS; có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác. Nếu số tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là "đáng kể", ông Nguyễn Bắc Son còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, với vai trò là người đứng đầu, là cán bộ cao cấp mà không tuân thủ pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, số tiền lên tới 7.000 tỷ đồng, bởi vậy mức hình phạt sẽ rất nghiêm trọng.
Với 2 tội danh bị cáo buộc thì tội Nhận hối lộ có mức hình phạt cao nhất là tử hình (nếu tiền, của nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên), số tiền hơn 3 triệu USD quy đổi ra tiền Việt Nam hơn 66,4 tỷ đồng là số tiền rất lớn.
Bởi vậy, nếu không khắc phục hậu quả được 3/4 số tiền do phạm tội mà có thì dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ cũng không có gì đảm bảo là cựu bộ trưởng này sẽ thoát khỏi mức án cao nhất của tội danh này là tử hình.
Luật sư Cường cho rằng, pháp luật quy định bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là nghĩa vụ, trách nhiệm của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. Nếu bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ bị áp dụng chế tài nghiêm khắc, đồng thời bị buộc phải bồi thường, thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả là một tình tiết quan trọng để được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thậm chí có thể giữ được mạng sống, không bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình trong một số tội danh về tham nhũng. Pháp luật cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả chứ không cần phải "xin" được bồi thường”.
“Pháp luật chỉ quy định việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả phải là "đáng kể" mới được áp dụng coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi lượng hình” - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Mức bồi thường đến đâu để có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ phụ thuộc vào mức bồi thường so với mức độ thiệt hại và số tài sản mà bị can hưởng lợi, ngoài ra còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của bị can sao cho được đánh giá là "đáng kể".
Về nguyên tắc thì hình phạt chỉ được đặt ra khi tòa án tuyên bố bị cáo có phạm tội. Việc quyết định mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo, từng tội danh và việc tổng hợp hình phạt sẽ do Hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trong trường hợp tòa án xác định các bị can là có tội thì với những bị can chủ mưu, vai trò chủ yếu sẽ khó có thể thoát được mức án cao nhất là tử hình.
Nếu bị tòa án tuyên án mức cao nhất, các bị can, bị cáo vẫn còn cơ hội giữ được mạng sống nếu việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả đủ điều kiện áp dụng quy định tại Điều 63, điểm c, khoản 3, Điều 40 BLHS và hướng dẫn tại Công văn số 64/TAND-PC.
Dư luận mong muốn, trong phiên xét xử này, HĐXX sẽ làm rõ chuyện 3 triệu USD giữa hai bố con ông Nguyễn Bắc Son và truy thu lại số tiền trên để tránh thất thoát. Đồng thời tuyên án đúng người, đúng tội, đúng hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo trên.
Xem thêm video: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khai trừ Đảng