Xét xử vụ án AVG: Không có việc cơ quan điều tra 'bưng bít thông tin'
Chiều 23-12, phiên tòa xét xử vụ án vụ án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (viết tắt là Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) tiếp diễn với việc Viện kiểm sát đưa ra quan điểm đối đáp.
Cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội...
Ở vụ án này, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (cùng là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng 12 bị cáo liên quan lần lượt bị xét xử về các tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”.
Đối đáp trước các quan điểm bào chữa, bảo vệ, đại diện Viện kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử cho biết, đối với hành vi nhận hối lộ, các bị cáo phạm tội này trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa nhiều ngày qua đều thừa nhận và khẳng định: “Cáo trạng VKS truy tố các bị cáo về hành vi nhận hối lộ là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhất trí với bản luận tội của VKSND về tội danh và phân hóa vai trò”.
Tiếp lời, VKS nhìn nhận, có bị cáo còn từ chối luật sư bào chữa tại phiên tòa. Để có sự phân hóa vai trò rõ rệt đối với từng bị cáo như bản luận tội thì khắc phục hậu quả là một trong những điều kiện quan trọng để xem xét đối với hành vi nhận hối lộ. “Việc khắc phục hậu quả đối với tội nhận hối lộ trong vụ án này có thể nói đây là một sự thành công lớn của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và của chính các bị cáo, cũng như sự đóng góp không nhỏ của các vị luật sư” – VKS bày tỏ.
Theo VKS, xuất phát từ việc chủ động khai báo của các bị cáo và mong muốn sớm được nộp lại số tiền đã nhận từ Phạm Nhật Vũ, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã thực hiện hết các biện pháp tố tụng để thu hồi triệt để số tiền nhận hối lộ của các bị cáo. Chính vì lẽ đó, bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt.
Vì vậy mà bản luận tội của VKS đã khẳng định, khi xem xét đề nghị hình phạt đã phân hóa rõ về vai trò, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả của từng bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn dưới khung hình phạt mà VKS truy tố. Việc phân hóa như vậy đều nhận được sự đồng thuận của chính các bị cáo và các vị luật sư bào chữa.
Thư gửi vợ con của bị cáo là tài liệu chứng cứ trong vụ án
“Dù vậy vẫn có ý kiến của một luật sư cho rằng, quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã “bưng bít thông tin”, không thông báo lá thư bị cáo Son viết gửi vợ mà lại đưa vào hồ sơ vụ án, dẫn đến việc khó khăn cho bị cáo này trong việc khắc phục hậu quả” – VKS trích dẫn.
Về nội dung này, VKS khẳng định “lá thư” bị cáo Son viết gửi vợ được xác định là một tài liệu chứng cứ của vụ án, do vậy phải được thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Vẫn lời VKS: “Riêng đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, có ý thức khắc phục hậu quả nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền như trong bản cáo trạng là đúng và nó được chứng minh qua những hoạt động và biện pháp tố tụng dưới sự kiểm sát chặt chẽ của kiểm sát viên”.
Quá trình điều tra tại các buổi hỏi cung đều có sự tham gia của kiểm sát viên và có cả những buổi hỏi cung có sự tham gia của luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn tiếp tục trình bày ý kiến muốn được khắc phục hậu quả và tự nguyện làm đơn xin khắc phục hậu quả, đồng thời đề nghị muốn gặp gia đình để trao đổi, muốn sớm nộp lại số tiền đã nhận bất hợp pháp từ Phạm Nhật Vũ.
Trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của bị cáo Nguyễn Bắc Son, ngày 2-8-2019, Điều tra viên đã tiến hành cho bị cáo Son được gặp gia đình (gồm vợ và con trai) tại trại tạm giam, có sự tham gia của Kiểm sát viên và cán bộ quản giáo. Tại buổi làm việc này, bị cáo Son tiếp tục có ý kiến đề nghị gia đình giúp bị cáo khắc phục hậu quả số tiền 3 triệu USD và thông báo cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền biết việc này để nộp trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
Trong đó, bà Lưu Thị Lý (vợ bị cáo Son – PV) đã có ý kiến là đang có sổ tiết kiệm số tiền khoảng hơn 2 tỷ đồng là tiền cá nhân, không liên quan đến bị cáo Son. Việc yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, gia đình không có khả năng thực hiện, số tiền gửi tiết kiệm trên bà Lý dùng để thuê luật sư bào chữa cho chồng.
Không kê biên đất hương hỏa của bị cáo
Theo VKS, bị cáo Son còn đề nghị Điều tra viên và Kiểm sát viên kê biên diện tích đất mang tên quyền sở hữu của bị cáo tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra và VKS thấy rằng diện tích đất đó là do hương hỏa của cha ông để lại nên không tiến hành kê biên.
VKS kết luận: “Như vậy, bị cáo Nguyễn Bắc Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD nhận từ Phạm Nhật Vũ trong quá trình điều tra, truy tố là do gia đình không hợp tác để nộp như nội dung bản cáo trạng xác định nêu là hoàn toàn chính xác”. “Luật sư cho rằng cơ quan điều tra “bưng bít thông tin” là không có căn cứ - VKS khẳng định.
Đối đáp trước quan điểm của luật sư, VKS cho rằng mặc dù các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” không có bất kỳ ý kiến tranh luận nào về tội danh nhưng cũng còn có một số ý kiến băn khoăn khi cho rằng “lời khai của người đưa hối lộ có khách quan không, có dấu hiệu của việc mớm cung không”?
Về nội dung trên, VKS lập luận, bị cáo Phạm Nhật Vũ, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đều khai nhận việc bị cáo đưa tiền cho 4 bị cáo là Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn là đúng. Nhưng do thời gian đã lâu nên bị cáo không nhớ chi tiết.
Kết quả điều tra khẳng định, Cơ quan điều tra không mớm cung mà thực hiện việc hỏi cung theo đúng quy định của pháp luật. Điều đó được minh chứng trong các bản cung có sự tham gia của KSV và luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Phạm Nhật Vũ. Khi đó, bị cáo Vũ vẫn khai như những bản cung trước đây, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo nhận tiền trong quá trình điều tra cũng như kết quả đấu tranh công khai tại phiên tòa.
Và trong quá trình phiên tòa xét xử, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai không nhận tiền của Phạm Nhật Vũ, sau đó đã xin HĐXX cho thay đổi lời khai tại phiên tòa và xin được giữ nguyên lời khai về nhận tiền hối lộ của Phạm Nhật Vũ trong giai đoạn điều tra và như cáo trạng đã truy tố và đề nghị luật sư không bào chữa về tội danh “Nhận hối lộ”. “Điều đó một lần nữa khẳng định không có việc mớm cung trong quá trình hỏi cũng như băn khoăn của một số lời bào chữa” – VKS giải đáp.
Đối đáp trước quan điểm, VKS chốt lại: “Như vậy, chúng tôi khẳng định cáo trạng số 89 ngày 17-10-2019 của VKSND Tối cao truy tố các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn về tội “Nhận hối lộ” là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật”.