'Xí phần' trên biển

Từ ngày 8/11/2023 đến 2/1/2024 đã có 13 vụ tấn công tàu cá, gây hoang mang cho ngư dân hành nghề trên biển, làm mất an ninh trật tự trong vùng.

Biển là tài sản chung của mọi người chứ không phải đặc quyền của một nhóm người nào. Ảnh minh họa/INT

Biển là tài sản chung của mọi người chứ không phải đặc quyền của một nhóm người nào. Ảnh minh họa/INT

Liên tục trong những tháng gần đây, nhiều tàu đánh cá của ngư dân huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) bị một nhóm người ở những tàu đánh cá khác tấn công bằng súng tự chế và bom xăng.

Đã có một tàu đánh cá bị cháy rụi, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng cùng nhiều ngư dân bị thương trong một vụ tấn công bằng bom xăng cách đây ít hôm. Thống kê của địa phương này cho biết, từ ngày 8/11/2023 đến 2/1/2024 đã có 13 vụ tấn công tàu cá, gây hoang mang cho ngư dân hành nghề trên biển, làm mất an ninh trật tự trong vùng.

UBND tỉnh Cà Mau đã phải ra công văn hỏa tốc gửi Bộ đội Biên phòng tỉnh này cùng các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này.

Theo tường thuật của những nạn nhân, nhóm người tấn công họ lấy lí do là vùng biển này họ đã “xí phần” nhưng nay có người xâm phạm (?). “Xí phần” được hiểu là khu vực biển đó đã có chủ! Không phải đến hôm nay mới xảy ra những vụ việc vừa kể trên mà từ năm 2016, tại vùng biển Tây Nam nước ta cũng đã xảy ra tình trạng tranh giành ngư trường dưới sự “bảo kê” của một nhóm người.

Đến mức, nếu khu vực biển đã “xí phần” ấy mà tàu đánh cá nào vào đó khai thác thì phải nộp tiền xâu cho nhóm người bảo kê này. Đánh cá trên biển của nước mình mà như thể đi đánh cá lén lút ở một đất nước xa lạ nào đó. Thật không thể hiểu nổi.

Hồi giờ chỉ nghe giang hồ bảo kê ở các chợ, các bến xe, bến tàu, các bãi đậu đỗ xe chứ bảo kê và “xí phần” trên biển thì nay mới biết. Đám này hoạt động công khai, lại tấn công trực diện các tàu cá không biết “vâng lời” chúng chứ chả lén lút gì nên việc tìm ra thủ phạm không phải là điều quá khó với cơ quan chức năng. Hôm 10/1, Công an huyện Trần Văn Thời đã khởi tố vụ án, xác định được các đối tượng và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngư dân hành nghề trên Biển Đông - phần lãnh hải của Việt Nam kiểm soát, một phần là kế sinh nhai nhưng đồng thời cũng làm nhiệm vụ khẳng định chủ quyền quốc gia của chúng ta nữa.

Nhiều ngư dân bị bắt bớ, đánh đập, tịch thu phương tiện hành nghề do “tàu lạ” nên chúng ta cảm thông, chia sẻ với sự hy sinh đó. Nhưng ngư dân bị chính đồng bào mình hành hung, tấn công gây thương tích và tổn hại vật chất như trường hợp ở Cà Mau là điều cần lên án và nên xử lý nghiêm.

Lãnh hải quốc gia cần được xem như mái nhà chung của tất cả ngư dân Việt Nam chứ không riêng của bất cứ ai. Ở vào giai đoạn nhạy cảm về chủ quyền lãnh hải như lúc này, sự đoàn kết của ngư dân Việt Nam lại càng được đề cao hơn bao giờ hết.

Mọi sự bất đồng trong quá trình hành nghề trên biển như các loại tàu đánh cá theo kiểu “tận diệt” bằng nghề giã cào hoặc dùng thuốc nổ để khai thác cá… cần phải được giải quyết trên tinh thần ôn hòa và đoàn kết để hỗ trợ nhau khi hành nghề chứ không thể hành xử theo kiểu giang hồ, cá lớn nuốt cá bé như những gì đã và đang xảy ra trên vùng biển Tây Nam.

Biển là tài sản chung của mọi người chứ không phải đặc quyền của một nhóm người nào. Vì vậy, việc “xí phần” dẫn đến hành hung các ngư dân lương thiện khác cần phải được chấm dứt vô điều kiện!

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xi-phan-tren-bien-post668294.html