Xin nhường phần của tôi cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn!

PTĐT - Đó là ý nguyện chung của rất nhiều người mà chúng tôi đã gặp khi họ biết mình thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một buổi sáng tháng 4, Mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang (84 tuổi) ở khu Mố, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn đã mang theo số tiền tiết kiệm 1 triệu đồng đến trụ sở UBND xã Yên Sơn để ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hàng tháng thu nhập chính của bà đến từ khoản hỗ trợ của Nhà nước vì là mẹ liệt sỹ. Dẫu cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng việc làm ý nghĩa của mẹ đã khiến không ít người xúc động và cảm phục.

Ngồi têm cánh trầu trước hiên nhà, bà chia sẻ: Cuộc đời mẹ đã trải qua nhiều nỗi đau, sự mất mát to lớn khi người con trai cả hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, người con trai út cũng mất vì bệnh hiểm nghèo. Giờ nhìn thấy hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ ngày đêm vất vả chống dịch trên tivi, mẹ không khỏi xót xa. Nghe nói mẹ sắp được hưởng thêm 3 tháng tiền hỗ trợ của Nhà nước vì dịch bệnh Covid-19, mẹ tuổi già, sức yếu, mẹ chẳng giúp được gì nhiều, mẹ xin ủng hộ lại để hỗ trợ những người khó khăn hơn mẹ.

Câu chuyện của Bùi Đức Chính, là thương binh ¼ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào năm 1972 với tỷ lệ thương tật 85% cũng khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Với tâm nguyện góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ông đã bàn với con cháu tình nguyện đề xuất với chính quyền địa phương sẽ rút tên mình trong đợt hỗ trợ cho những đối tượng chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid với lý do muốn nhường lại chút ít cho những người yếu thế hơn. Ông Chính tâm sự: Hiện nay điều kiện kinh tế của nước ta còn hạn chế, song Đảng và Nhà nước đang phải chi một số tiền rất lớn để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Khi đất nước gặp khó khăn, mỗi người dân phải có trách nhiệm chung tay góp sức. Ngày xưa, chúng tôi sẵn sàng hy sinh cả máu, xương để bảo vệ đất nước, ngày nay, đất nước đang phải đối mặt với đại dịch Covid, tôi già rồi, không giúp được gì thì cũng không muốn là gánh nặng thêm cho Nhà nước.

Ông Hà Kim Duyệt – người dân tộc Mường là nạn nhân chất độc da cam xã Hưng Long từng tham gia chiến trường Lào, Campuchia đến khi giải ngũ về quê hương phải mang thương tật 65%, ông chia sẻ: Là người lính từng tham gia chiến đấu ở chiến trường ác liệt, nhiều lần đối mặt với cái chết nên tôi hiểu được ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Vì vậy, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, bản thân tôi nghĩ mình không thể đứng ngoài cuộc. Cả đời tôi đã sống vì lý tưởng cách mạng, khi cao tuổi tôi được hưởng các chế độ của Nhà nước. Với tinh thần của bộ đội Cụ Hồ, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, tôi chủ động đóng góp tiền và thường xuyên vận đông những hội viên chất độc da cam ủng hộ cho MTTQ xã và huyện để phòng, chống dịch bệnh. Dù mức đóng góp không lớn nhưng tôi mong muốn tiếp thêm động lực để cùng với toàn xã hội chiến thắng đại dịch nguy hiểm này để cuộc sống thường nhật của người dân sớm trở lại bình thường.

Là người thuộc diện bảo trợ xã hội đang được trợ cấp xã hội hàng tháng, ở tuổi xưa nay hiếm bà Đào Thị Tiến, khu 1A, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì bày tỏ lòng cảm ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm lo cho những người kém may mắn như mình. Bà Tiến nói: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", bản thân tôi hàng tháng vẫn nhận tiền trợ cấp đều đặn, tuy nhiên ở ngoài kia, vẫn còn rất nhiều người dân không có thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Chính vì vậy, tôi muốn nhường phần hỗ trợ của mình cho những người đó để giúp họ ổn định dần trong cuộc sống.Câu chuyện của Mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Quang, bà Đào Thị Tiến và 2 thương binh Bùi Đức Chính, Hà Kim Duyệt là bốn trong rất nhiều những tấm gương thuộc diện được hỗ trợ vì dịch bệnh nhưng lại muốn nhường xuất của mình cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn và những người hiện nay đang ngày đêm căng mình trên tuyến đầu phòng chống dịch. Tấm gương của họ tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của mỗi người dân đất Việt với hy vọng cả dân tộc sẽ chiến thắng đại dịch trong một ngày không xa.Qua những câu chuyện này, chúng ta thấy rằng, với các chính sách trợ cấp của Chính phủ đã thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Song cũng xuất phát từ thực tế, việc lựa chọn đối tượng hưởng trợ cấp cũng cần tính toán kỹ, để tạo sự hài hòa, đảm bảo tốt việc thực hiện an sinh xã hội.

Hoàng Quý-Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202004/xin-nhuong-phan-cua-toi-cho-nhung-nguoi-co-hoan-canh-kho-khan-hon-170406