Xóa bỏ quan niệm 'nhà vệ sinh là công trình phụ'

Mới đây, tại Trường ĐH Sài Gòn (TPHCM), hơn 200 cán bộ quản lý đến từ các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông của nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tham gia hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch trong các cơ sở giáo dục. Hội nghị do Bộ GD-ĐT tổ chức với sự tham dự của Tổ chức UNICEF, Ngân hàng Thế giới, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế.

Theo ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT), năm học 2017-2018, cả nước có gần 190.000 phòng vệ sinh trong các cơ sở giáo dục công lập, tỷ lệ bình quân 4,63 phòng vệ sinh/trường học. Trong đó, tỷ lệ phòng vệ sinh kiên cố hóa đạt 67,4%. Đến năm học 2019-2020, con số này đã tăng lên hơn 270.000 phòng vệ sinh tại các cơ sở giáo dục trên cả nước. Tỷ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn là 69,4%, tỷ lệ kiên cố hóa hơn 77%.

Các địa phương đang áp dụng nhiều mô hình quản lý, vận hành và bảo quản các công trình vệ sinh gồm: bố trí nhân viên phục vụ công tác vệ sinh, thù lao được trích từ nguồn kinh phí của trường hoặc thuê nhân viên phục vụ công tác vệ sinh, thù lao chi trả từ nguồn kinh phí xã hội hóa (36,86%); phối hợp với Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tổ chức mô hình tự quản làm công tác vệ sinh (17,76%); tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên quản lý, bảo quản và tự làm công tác vệ sinh (42,17%) và sử dụng các hình thức khác như thuê dịch vụ chuyên nghiệp làm vệ sinh, kinh phí ngân sách của địa phương (3,21%).

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đặt vấn đề kinh phí trong công tác xây dựng, quản lý và sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, đây là “nút thắt” mang tính quan trọng, mấu chốt nên cần quan tâm đúng mức đến các yếu tố như kinh phí ra sao, sử dụng như thế nào, có thể tận dụng nguồn xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức viện trợ ra sao.

Từ thực tế đó, vai trò tham mưu của các đơn vị cho địa phương là rất quan trọng để có một tư duy, tầm nhìn mang tính tổng thể. Song song đó, các sở GD-ĐT cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố để đưa vào nghị quyết HĐND hoặc ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt hơn về vấn đề này.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, tăng cường kiểm tra, đánh giá, nâng cao ý thức, thói quen sử dụng cho học sinh... Các giải pháp cần hướng đến việc đảm bảo phát triển một cách tổng thể, đồng bộ, bền vững từ nhận thức đến kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất trường học, cần xóa bỏ quan niệm đây là “công trình phụ”, dẫn đến tình trạng chưa có nhà vệ sinh, công trình vệ sinh đúng nghĩa phục vụ học sinh như ở một số nơi thời gian qua.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xoa-bo-quan-niem-nha-ve-sinh-la-cong-trinh-phu-693776.html