Xóa bỏ viên chức nhà nước ở thời điểm hiện tại là quá muộn?

Theo chuyên gia, việc xóa bỏ chế độ viên chức 'suốt đời' nên thực hiện từ lâu bởi từ suy nghĩ cố hữu của người dân 'vào được viên chức là ổn định hoàn toàn' đã để lại không ít hậu quả về năng lực cán bộ, cửa quyền, tham nhũng...

Từ ngày 01/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực, sau gần 1 năm Quốc hội thông qua (tháng 11/2019).

Như vậy, chế độ viên chức nhà nước không có thời hạn chính thức bị xóa bỏ, đồng nghĩa, suy nghĩ cố hữu của người dân bấy lâu nay khi "vào được viên chức nhà nước là ổn định hoàn toàn" cũng bị xóa bỏ, mà thay vào đó, chế độ viên chức sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn.

Việc xóa bỏ chế độ viên chức đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân.

Theo chuyên gia, lẽ ra, việc xóa bỏ chế độ viên chức “suốt đời” nên thực hiện từ lâu.

Theo chuyên gia, lẽ ra, việc xóa bỏ chế độ viên chức “suốt đời” nên thực hiện từ lâu.

Nhìn nhận vấn đề này ở góc độ xã hội, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội thẳng thắn cho rằng việc này lẽ ra phải làm từ lâu. Bây giờ mới làm thì hậu quả đã thấy rõ, là một bộ phận cán bộ viên chức không có trình độ hoặc trình độ, năng lực yếu kém, làm việc trì trệ không muốn thay đổi, không muốn phát triển, không muốn học hỏi... mà cán bộ viên chức càng có thâm niên, cộng thêm suy nghĩ cố hữu của người lân là vào viên chức nhà nước là an toàn, thì lại sinh ra sự hống hách, công thần, thái độ phục vụ không tốt, dẫn đến chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi công vụ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng chính cả uy tín của cơ quan nhà nước, cuối cùng là mất niềm tin ở chính mỗi người dân.

TS Khuất Thu Hồng nói: "Bản thân tôi cũng đã nghe được rất nhiều những ý kiến từ chính những người đang đứng trong hàng ngũ cán bộ nhà nước phê phán một bộ phận viên chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về", phản ánh chất lượng và năng suất lao động kém... hiện trạng này đã tồn tại nhiều năm nay".

Theo TS Khuất Thu Hồng, từ suy nghĩ cố hữu của người dân “vào được viên chức là ổn định hoàn toàn” đã để lại không ít hậu quả về năng lực cán bộ, cửa quyền, tham nhũng...

Theo TS Khuất Thu Hồng, từ suy nghĩ cố hữu của người dân “vào được viên chức là ổn định hoàn toàn” đã để lại không ít hậu quả về năng lực cán bộ, cửa quyền, tham nhũng...

Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, ở nước ngoài, đội ngũ cán bộ công chức ở nước ngoài chiếm một phần rất nhỏ, gần như chỉ là phần khung của bộ máy tổ chức cán bộ. Còn phần lớn, nhân sự ở các vị trí đề là hợp đồng có thời hạn nhất định và sau mỗi thời kỳ, đều có rà soát lại chất lượng công việc, đánh giá năng lực làm việc.

Trong những hệ thống đó, họ đánh giá rất chặt chẽ về năng suất lao động, có hoàn thành nhiệm vụ hay không và trên cơ sở đó, họ có tiếp tục hợp đồng và có tiếp tục xét tăng lương hay không nhưng ở Việt Nam thì khác, suy nghĩ cố hữu của người dân là đã vào được hàng ngũ cán bộ nhà nước thì mặc định là sẽ ngồi đó vĩnh viễn, chẳng sợ ai cả.

"Do đó, cán bộ không đủ năng lực cũng rất khó để cho thôi việc. Dẫn đến, người dân phải "nuôi" một đôi ngũ cán bộ thực thi công vụ không làm được việc hoặc năng suất làm việc yếu, kém. Việc này đã tồn tại rất nhiều năm nên theo tôi, việc bỏ chế độ viên chức, thay vào đó là thực hiện chế độ hợp đồng đối với cán bộ thực thi công vụ để nâng cao chất lượng, trình độ nhân sự nhà nước là rất hợp lý và cần thiết", TS Khuất Thu Hồng cho hay.

Tuy nhiên, theo TS Khuất Thu Hồng, mức lương thấp thì bản thân đội ngũ thực thi công vụ sẽ không toàn tâm toàn ý cho công việc, hoặc "ăn cắp" thời gian, hoặc tham nhũng... Vì vậy, để thu hút và giữ chân được người tài, người có năng lực chuyên môn thì cần có một mức lương cao hơn. Mức lương cao không những khuyến khích người lao động phấn đấu, trau dồi, học hỏi... mà chất lượng hành chính công cũng sẽ được nâng cao hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ), từ 01/7, những người được tuyển dụng vào vị trí việc làm, hoặc làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập (viên chức) sẽ ký hợp đồng có thời hạn, từ 12 – 60 tháng, tối đa 5 năm. Với số lượng hơn 1 triệu viên chức như hiện nay, thì quy định sẽ là giải pháp chọn lọc tự nhiên để xã hội ngày càng được hưởng những dịch vụ tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/xoa-bo-vien-chuc-nha-nuoc-o-thoi-diem-hien-tai-la-qua-muon-20200702225328965.htm