Xóa 'điểm đen' trước cổng trường

Giao thông tại khu vực trường học có nhiều vấn đề đặt ra như ùn tắc vào giờ đến trường, tan học; nguy cơ cao xảy ra tai nạn do các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, nhiều dòng giao thông hỗn hợp... Thực trạng này đòi hỏi cần có giải pháp nâng cao an toàn ở khu vực nhạy cảm này.

Nhiều chương trình, kế hoạch an toàn giao thông cho trẻ em được khiển khai rộng khắp trên toàn quốc. Ảnh minh họa: Internet

Nhiều chương trình, kế hoạch an toàn giao thông cho trẻ em được khiển khai rộng khắp trên toàn quốc. Ảnh minh họa: Internet

Thường xuyên lồng ghép nội dung về an toàn giao thông vào các hoạt động của trường học để hình thành văn hóa giao thông cho học sinh. Ảnh: Internet

Thường xuyên lồng ghép nội dung về an toàn giao thông vào các hoạt động của trường học để hình thành văn hóa giao thông cho học sinh. Ảnh: Internet

Vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Internet

Vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Internet

Ngày càng nhiều học sinh đến trường bằng xe gắn máy. Ảnh: Internet

Ngày càng nhiều học sinh đến trường bằng xe gắn máy. Ảnh: Internet

“Sốc” từ con số

Thực tế cho thấy, hầu hết học sinh ở các cấp học đều được phụ huynh đưa, đón đến trường. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn giao thông tại các cổng trường vẫn là điều đáng suy ngẫm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, hằng năm, trên toàn cầu, tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ làm 1,3 triệu người chết và khoảng 50 triệu ca thương tích. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh niên trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, trong những năm qua, TNGT đã giảm cả ba tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương; trong đó, an toàn giao thông cho trẻ em được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện.

Bà Kiều Thị Diễm - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) - nhìn nhận, TNGT là vấn đề xã hội bức xúc mang tính toàn cầu và là thách thức lớn đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Hằng năm, TNGT gây thiệt hại đến 500 tỷ USD. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, cứ mỗi năm, thế giới có hơn 186.000 trẻ em chết vì TNGT đường bộ, tương đương trên 500 em/ngày.

Thực tế, TNGT đường bộ được xếp vào nhóm bốn nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho tất cả trẻ em trên 5 tuổi. Ở Việt Nam, báo cáo của Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức về tình hình TNGT ở độ tuổi trẻ em cho thấy, cứ 100.000 trẻ em thì có khoảng 20 em tử vong do TNGT. “Con số này ở các nước ASEAN là khoảng 7 em và ở nước phát triển OECD là trên 4 em” – bà Diễm nói.

Theo bà Trịnh Thị Vân Giang – Quản lý Chương trình An toàn giao thông, Quỹ Thương vong Châu Á (AIP), Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về “khu vực trường học” và “khu vực trường học an toàn” bao gồm quy định về tốc độ hợp lý cũng như cơ sở hạ tầng đường bộ liên quan. Tốc độ cho phép xung quanh các khu vực trường học cũng thường cao hơn thông lệ quốc tế.

Thường xuyên lồng ghép nội dung về an toàn giao thông vào các hoạt động của trường học để hình thành văn hóa giao thông cho học sinh. Ảnh: Internet

Thường xuyên lồng ghép nội dung về an toàn giao thông vào các hoạt động của trường học để hình thành văn hóa giao thông cho học sinh. Ảnh: Internet

Biên soạn Sổ tay hướng dẫn

Trước bối cảnh này, từ năm 2018, Quỹ AIP đã thí điểm mô hình an toàn giao thông khu vực trường học tại TP Pleiku (Gia Lai). Bước đầu đạt được kết quả khả quan. UBND TP Pleiku đã ban hành văn bản về mô hình an toàn giao thông khu vực trường học trên toàn thành phố với định nghĩa cụ thể về khu vực trường học, khu vực trường học an toàn và các yêu cầu tối thiểu về kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông đường bộ; ý thức chấp hành an toàn giao thông của giáo viên, học sinh và việc thi hành cưỡng chế thực thi pháp luật.

“Để có nhiều mô hình khu vực trường học an toàn như TP Pleiku, việc xây dựng cuốn Sổ tay hướng dẫn các giải pháp an toàn giao thông khu vực trường học của Việt Nam và cho Việt Nam từ cấp quốc gia sẽ vô cùng hiệu quả” - bà Giang nhấn mạnh, đồng thời viện dẫn: Trong khuôn khổ 4 năm (2021 - 2025), ngoài việc xây dựng Sổ tay hướng dẫn này, dự án có các hoạt động thí điểm tại 3 trường học ở khu vực Bắc, Trung, Nam cũng như triển khai Sổ tay tại 10 trường học khác sau khi hoàn thiện cuốn cẩm nang này.

“Sau khi được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, Sổ tay được khuyến khích áp dụng trên toàn quốc. Việc áp dụng thực hiện tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện của từng địa phương, khu vực trường học. Tuy nhiên, việc có được một hướng dẫn chuẩn, mang tính định hướng, đảm bảo điều kiện cơ bản về an toàn là thật sự cần thiết”, bà Giang quả quyết.

Vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Internet

Vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Internet

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Thanh – Khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông Vận tải - đề xuất: Cần xây dựng “Sổ tay hướng dẫn các giải pháp TNGT khu vực trường học”. Đây sẽ là tài liệu tham khảo để các tổ chức, cá nhân, nhà trường từ Trung ương đến địa phương nghiên cứu và triển khai giải pháp nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông khu vực trường học, bao gồm: Cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông khu vực cổng trường, trong sân trường.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu về an toàn giao thông nói chung và an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em nói riêng, PGS.TS Nguyễn Viết Thanh kiến nghị, cần có nghiên cứu sâu để đề xuất các giải pháp nâng cao an toàn giao thông trường học, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, hiệu quả và thân thiện với môi trường, phù hợp với thực tế ở nước ta hiện nay.

Ngày càng nhiều học sinh đến trường bằng xe gắn máy. Ảnh: Internet

Ngày càng nhiều học sinh đến trường bằng xe gắn máy. Ảnh: Internet

Xây dựng Bảng xếp hạng sao?

Ở góc nhìn khác, TS Chu Tiến Dũng – Bộ môn Đường bộ, Trường ĐH Giao thông Vận tải - trao đổi, cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực trường học. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị liên quan đánh giá mức độ đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực này một cách tổng thể trên địa bàn quản lý.

Bộ tiêu chí cũng để các trường, đơn vị có liên quan đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại từng trường học cụ thể; đồng thời đánh giá hiệu quả giải pháp cải tạo kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông hay giải pháp khác như tuyên truyền, đào tạo… trong khu vực trường học.

TS Chu Tiến Dũng cũng đề xuất xây dựng Bảng xếp hạng sao và giá trị Bộ tiêu chí tương ứng cho khu vực trường học. Ví dụ, trên 90 điểm sẽ được xếp hạng 5 sao và đánh giá là rất tốt. Từ 80 - 90 điểm xếp hạng 4 sao, được đánh giá là tốt. 3 sao sẽ tương ứng với 65 - 79 điểm và đánh giá ở mức khá. Còn từ 50 – 64 điểm sẽ xếp hạng 2 sao, đạt mức trung bình. Dưới 50 điểm là 1 sao và là mức kém.

Ông Lê Tuấn Tứ - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa - cho rằng, có thể lắp đặt hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông khu vực trường học. Hệ thống này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện. Đồng thời, đánh giá mức độ ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm: Biển báo khu vực trường học, đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc/sơn giảm tốc... theo các khu vực trường học khác nhau. Qua đó, xác định những danh mục hạ tầng giao thông cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp và cải tạo.

Nhấn mạnh, những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu TNGT đường bộ nói chung cũng như TNGT cho trẻ em nói riêng, bà Kiều Thị Diễm cho hay: Nhiều chương trình, kế hoạch an toàn giao thông cho trẻ em được khiển khai rộng khắp trên toàn quốc.

Đặc biệt, việc thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã đạt được kết quả mong đợi; nhiều quốc gia cũng như tổ chức quốc tế đánh giá cao và đưa ra làm bài học điển hình. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan tới an toàn giao thông cho trẻ em như: Hành trình an toàn đến trường bao gồm con đường an toàn, quản lý tốc độ khu vực trường học hay phương tiện an toàn cho trẻ em Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, mỗi ngày ở nước ta có hơn 17 triệu trẻ em di chuyển 2 - 4 lần từ nhà đến trường và ngược lại. Nhiều em phải di chuyển trên cung đường với nhiều loại phương tiện thiếu an toàn. Ùn tắc giao thông giờ tan học, đưa đón học sinh cũng là một trong những vấn đề còn nhiều nan giải, cần phải có quy định, biện pháp cụ thể nhằm hạn chế TNGT cho trẻ em.

Bà Diễm nhắc lại, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025; trong đó Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, đưa nội dung giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ mầm non đến phổ thông.

Chúng tôi tổ chức cho phụ huynh cam kết thực hiện an toàn giao thông khi đưa trẻ đến trường. Theo đó, phụ huynh cam kết không chạy xe hàng đôi, hàng ba khi đưa đón; phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện; đi bộ đúng làn đường quy định. Nhà trường cũng nhắc nhở người thân khi đưa, đón con em bằng xe gắn máy, xe đạp điện không chở quá số người quy định, đội mũ bảo hiểm và đỗ xe có trật tự ở khu vực quy định dành cho phụ huynh. - Cô Nguyễn Phương Hoa (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xoa-diem-den-truoc-cong-truong-post601026.html